Đại Kỷ Nguyên

Thả Khỉ mặt đỏ về rừng sau 17 năm sống trong nhà dân

Chú khỉ mặt đỏ được người dân Bến Tre nuôi nhốt 17 năm được trả về tự nhiên. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Chú khỉ mặt đỏ (tên khoa học Macacaarctoides) được một người dân tại Bến Tre nuôi nhốt suốt 17 năm, nay đã được thả về tự nhiên.

Ngày 23/4, bà Nguyễn Thị Bé Thi, ngụ thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, cho biết đã bàn giao chú khỉ mặt đỏ cho Chi cục Kiểm lâm Bến Tre sau 17 năm nuôi nhốt để thả về tự nhiên, theo Tuổi trẻ.

Con khỉ mặt đỏ này được gia đình bà thi nuôi từ khi còn nhỏ, do gia đình không biết đó là loài quý hiếm, nên cứ nuôi đến nay đã được hơn 17 năm, đạt trọng lượng là 7kg.

Được gia đình bà Thi chăm sóc cẩn thận nên chú khỉ mặt đỏ phát triển rất tốt và khá thân thiện với con người.

Theo Chi cục Kiểm lâm Bến Tre, sau khi có thông tin gia đình bà Thi nuôi nhốt một con khỉ mặt đỏ, đơn vị đã vận động gia đình bàn giao con khỉ để trả về tự nhiên. Chú khỉ này sẽ được thả vào Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Khỉ mặt đỏ có tên khoa học Macacaarctoides, là loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm 2B. Nó có màu lông sẫm pha đỏ, nâu hoặc đen ở phần trên của cơ thể, mặt đỏ, nằm trong danh mục Sách đỏ Việt Nam.

Tính đến nay đã có nhiều trường hợp khỉ mặt đỏ bị người dân bẫy bắt hay nuôi nhốt đã được thả về với tự nhiên, như ở Thừa Thiên Huế, 2 chú khỉ mặt đỏ đã được tự do sau khi bị 2 người dân bẫy bắt…

Những cá thể khỉ trên là loài động vật cần được bảo vệ trong Phụ lục IIB Nghị định 32/2006/NĐ-CP và được xếp ở mức VU – sẽ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam. Vì vậy, việc nuôi nhốt khỉ mặt đỏ để làm cảnh là hành vi vi phạm pháp luật.

Hoàng Minh

Exit mobile version