Đại Kỷ Nguyên

Tây Ban Nha bị loại khỏi World Cup 2018: Cái kết cho thế hệ vàng hay sự sụp đổ của Tiki- Taka?

Từng lên ngôi vô địch World Cup 2010 nhờ triết lý Tiki – taka hoa mỹ và cuốn hút nhưng tại World Cup 2018, vẫn là lối chơi Tiki – taka đó nhưng Tây Ban Nha đã phải sớm nhận cái kết đắng khi chia tay cuộc chơi ngay vòng 1/8. 

Cách đây khoảng 1 thập kỷ, người Tây Ban Nha đã giới thiệu cho thế giới một khái niệm bóng đá hoàn toàn mới, một phiên bản có thể cuốn phăng đi mọi đối thủ và được xem như là nghệ thuật đỉnh cao của làng túc cầu đương đại: “Tiki – taka”. 

Sau khi ra đời, Tiki – taka nhanh chóng nổi tiếng toàn cầu nhờ sức mạnh huỷ diệt. Sử dụng triết lý này, Barcelona dưới sự dẫn dắt của Pep Guardiola đã thống trị châu Âu bằng cú ăn 6 vĩ đại trong mùa giải 2008 – 2009. Vượt qua cái bóng “Vua vòng loại”, Tây Ban Nha lên ngôi vương đích thực khi vô địch World Cup 2010 cùng 2 chức vô địch Euro 2008 và 2012 với phong độ thuyết phục nhờ triết lý Tika – taka. 

Barcelona thành công nhờ biết cách vận hành và phô diễn Tiki-taka. (Ảnh: endgame.vn)

Chính vì lan tỏa mạnh mẽ và ấn tượng mà người ta chỉ quan tâm đến việc “thần thánh hóa” Tiki – taka bằng những lời ca tụng mà quên mất rằng bất cứ một mô hình nào dù tối thượng đến mấy cũng tồn tại những điểm yếu khó có thể khỏa lấp. 

Tiki – taka phụ thuộc vào một ngòi nổ có đủ sức công phá như Lionel Messi, David Villa, Fernando Torres,… Nhiệm vụ của những cái tên này không phải là tham gia đan bóng mà là tung ra những cú đấm quyết định đem về bàn thắng hay chiến thắng. Không Villa hay Messi, Tiki – taka chỉ là những đường ban bật chiều ngang bất tận và cũng không có điểm đến cuối cùng. 

Nhìn vào thất bại của hàng loạt ứng cử viên vô địch ở giải đấu năm nay như Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Argentina đều có một điểm chung là đều chiếm thế chủ động nhưng vẫn thất bại. Được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch World Cup nhưng Tây Ban Nha lại không vượt qua được chướng ngại vật là chủ nhà Nga. Sau thất bại này, cả thế giới đổ dồn chỉ trích La Roja vì cứ bám lấy Tiki – taka và rồi nhận lấy thất bại. 

Quan điểm này càng được củng cố bởi những con số như tỷ lệ kiểm soát bóng lên đến 74% cùng 1209 đường chuyền chính xác sau 120 phút La Roja không thể chọc thủng lưới đội chủ nhà. Bàn thắng đến với nhà vô địch World Cup 2010 không thể may mắn hơn ở phút 12 của trận đấu. Nhưng sau đó, sai lầm của Pique đã khiến Tây Ban Nha bế tắc và bước vào loạt sút luân lưu đầy may rủi. 

Thông số sau trận đấu giữa Tây Ban Nha và Nga. (Ảnh: Zing.vn)

Tây Ban Nha từng làm mưa làm gió ở châu Âu cũng như trên thế giới bằng lối chơi kiểm soát bóng tới mức đối thủ không có bóng để chơi với những cầu thủ có kỹ thuật thượng thừa và siêu đẳng không cho đối thủ một chút không gian và cơ hội cầm bóng. Triết lý ấy không cũ nhưng lại quá “cũ” với những con người Tây Ban Nha hiện này và cả với Fernando Hierro – một huấn luyện viên tạm quyền chưa ai biết được thực lực như thế nào. 

Koke và Aspas – 2 cầu thủ sút hỏng penalty lại đến từ Alettico Marid và Celta Vigo, 2 đội bóng thực sự không được xây dựng từ nền tảng triết lý kiểm soát bóng. 

Một buổi chiều mưa buồn trên sân Luzhniki, đội tuyển Tây Ban Nha thất bại một phần vì bám cứng vào trường phái Tiki-taka cũ kỹ ấy; họ chỉ biết bật nhả đến mức ru ngủ người xem. Tây Ban Nha đâu thiếu những cầu thủ trẻ có khả năng tạo đột biến như Lucas Vázquez hay Marco Asensio nhưng người thì không được ra sân, kẻ lại chẳng dám đột phá. Họ có quyền trung thành với lối chơi của mình khi đem đến Nga gồm có bộ 3 Andres Iniesta, David Silva và Sergio Busquet, những cầu thủ đã thi đấu với nhau nhiều năm liền. 

Lối chơi tiki-taka của Tây Ban Nha rất thiếu sắc bén và sáng tạo. (Ảnh: Google News)

Những gì La Roja thể biện là rất cơ bản với nhiều đường chuyền ban bật ngắn tới mức thái quá dẫn đến nhiều pha bóng cầu toàn. Bốn năm trước trên đất Brazil, hình ảnh Iniesta lẻ loi bước trên thảm cỏ xanh khiến trái tim nhiều cổ động viên xao xuyến và xót xa, Tây Ban Nha thua Hà Lan 1-5 ngay trận mở màn và thua Chile 0-2 rồi bị loại ngay từ vòng bảng. Một mình Iniesta rõ ràng là không thể gồng gánh được cả một đội hình đã già nua như thế.

Bốn năm sau đó, Iniesta lại đẫm lệ và cúi đầu bước đi trong một ngày mà La Roja xách vali về nước sau thất bại trước đội tuyển Nga tại vòng 16 đội. Từ sau chức vô địch World Cup 2010 và Euro 2012, Tây Ban Nha chia tay hàng loạt các trụ cột như Xavi Hernades, Xabi Alonso, Fernando Torres hay David Villa; đặc biệt Xavi cùng Iniesta, họ đã quá hiểu nhau nên chỉ cần những cái liếc nhìn là đã biết phải chuyền đi đâu và chạy đi đâu. Để rồi sau đó rơi tuột từ đỉnh cao xuống vực sâu khi trong đội hình Tây Ban Nha gần như không còn một ai có thể kiến thiết lối chơi. 

Việc Tây Ban Nha thua Nga trên chấm phạt đền đem lại sự luyến tiếc cho cho những công thần ở kỳ World Cup cuối cùng trong sự nghiệp như Iniesta, Pique hay thậm chí là David Silva và Pepe Reina – 4 trong 6 thành viên  vô địch World Cup 2010 còn sót lại trong đội hình La Roja. Đã 8 năm trôi qua, mọi thứ đã thay đổi quá nhiều, thời gian đã lấy đi tất cả và những gì còn sót lại chỉ là những nỗi buồn da diết và khó có thể phai mờ.

Đội tuyển Nga xuất sắc vô hiệu hoá Tiki-taka của Tây Ban Nha . (Ảnh: Twitter)

Rất có thể đây là trận đấu cuối cùng của Iniesta cho tuyển Tây Ban Nha. Trả lời phỏng vấn, anh chia sẻ:

“Sự thật đây là trận đấu cuối cùng của tôi cho đội tuyển quốc gia. World Cup là đấu trường thật tuyệt vời nhưng cái kết không bao giờ như chúng tôi mong muốn”. 

Andres Iniesta ra mắt đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha năm 2006 trong trận giao hữu gặp tuyển Nga và thật trùng hợp khi trận đấu cuối cùng của anh cũng là gặp Nga. Trong màu áo đội tuyển quốc gia, Iniesta thi đấu 131 trận, ghi 13 bàn và ít tháng trước anh nói lời chia tay Barcelona và bây giờ là đội tuyển Tây Ban Nha. Anh nghẹn ngào đón nhận 2 bước ngoặt cuộc đời và hoàn cảnh chia ly không xứng với một tượng đài. 

Nhưng ít ra Iniesta cũng không bị coi là tội đồ giống như Gerard Pique, sẽ chẳng ai để ý rằng pha để bóng chạm tay dẫn đến bàn gỡ hòa cho Nga của Pique là cố tình hay vô ý mà người ta chỉ biết rằng anh vừa có một trận đấu tệ hại trong một giải đấu tệ hại. Đáng buồn hơn đó là giải đấu cuối cùng trong màu áo La Roja của Pique và anh đã thông báo trước khi giải đấu diễn ra. Và khi đã nói ra, Pique thường giữ lấy lời.

Iniesta giã từ tuyển Tây Ban Nha sau 12 năm cống hiến. (Ảnh: Getty Images)

Tuổi tác cũng góp phần thúc đẩy David Silva nói ra lựa chọn của mình. Ở tuổi 32, Silva buồn bã trở lời: “Tôi đã già thật rồi!” trước câu hỏi “Anh có còn muốn thi đấu quốc tế nữa không?”. Trong trận đấu với Nga, Silva chỉ trụ hết 67 phút trước khi Hierro hết kiên nhẫn với anh. 

Đó là lời khẳng định cho một cuộc đại trùng tu lớn trong tương lai nếu ông Hierro còn tại vị. Trường hợp của Pepe Reina thì đơn giản, anh đã 35 tuổi và tham dự World Cup 2018 với vai trò hỗ trợ về tinh thần cũng như kinh nghiệm cho lứa đàn em như De Gea, Kepa Arrizabalaga. 

Hai cái tên còn lại là Ramos và Busquet thì dương như không thể thay thế. Ramos năm nay 32 tuổi, nhiều hơn Pique 1 tuổi nên về lý anh phải là người giải nghệ trước nhưng bản lĩnh thi đấu và vai trò thủ lĩnh của anh lại vượt trội tại Tây Ban Nha. Còn Busquet, dù La Roja thi đấu thế nào trong tương lai thì họ vẫn cần một tiền vệ mỏ neo đúng nghĩa. 

Thất bại trước đội tuyển Nga đã nói lên ngày tàn của Tiki – taka không còn xa sau những năm tháng làm mưa, làm gió trên khắp các sân cỏ. La Roja không sai với triết lý của mình mà hôm nay họ chỉ thiếu đi những con người có thể vận hành lối chơi đó. Tương phản với những đội được đánh giá là cửa trên; Mexico, Pháp và Uruguay lại chấp nhận rủi ro khi chơi phòng ngự và đặt hết vào những pha phản công chớp nhoáng để rồi nhận được phần thưởng xứng đáng.

Lúc này bao trùm lên Tiki-taka là một màn đêm u tối và muốn bước ra ánh sáng, những người Tây Ban Nha cần có một cuộc cách mạng triệt để nhưng công việc này khó có thể làm ngay một sớm một chiều. Nhưng La Roja có thể học tập phương pháp của huấn luyện viên hiện tại của Barca là Ernesto Valverde. 

Tây Ban Nha từng bá chủ thế giới bởi lối chơi Tiki-taka nhưng giờ đây họ lại thất bại cũng chính từ TIki-taka. (Ảnh: a7.sumarokov.org.ru)

Sau thời Pep Guardiola, Barca không thể tìm ai để thay thế Xavi và cả Iniesta để khỏa lấp chỗ trống hàng tiền vệ, dù Luis Enrique đưa về Adam Turan, Andre Gomez hay Denis Suarez nhưng họ chưa đủ đẳng cấp để thay thế con người trên. 

Điều này buộc Varvalde phải thay đổi toàn bộ cách vận hành khi lên năm quyền, nhất là khi không còn Neymar trên hàng công. Thay vì chơi tấn công như trước, Barca bây giờ chơi trực diện hơn khi Varvalde đặt Messi vào trung tâm và yêu cầu đẩy bóng nhanh hơn vào khung thành đối thủ, khi cần thiết sẽ chơi phòng ngự phản công. Nhờ đó, mùa giải vừa rồi Barca bỏ xa 2 đội bóng thành Madrid rồi giành chức vô địch, ngoài ra Barca cũng vào tứ kết C1 và giành luôn cúp nhà vua. Varvalde đã cải tiến lối Barca cho phù hợp với những con người có trong tay. 

Xét cho cùng bóng đá không hoàn toàn là đẹp và xấu, bóng đá hiện đại đề cao tính hiệu quả của kẻ thắng và người thua. Nếu Varvalde đi theo con đường mà Asen Wenger xây dựng cho Arsenal suốt 22 năm, ông vẫn bị coi là kẻ thất bại dù có chơi đẹp đi thế nào đi nữa. 

Như Gerard Pique đã nói trong một dòng tâm sự gần nhất: “Mọi thứ đôi khi là sự sắp xếp của số mệnh!”. Và bóng đá cũng vậy, nó giống như đời người đã được sắp xếp từ trước. 

Sơn Tùng

Exit mobile version