Đại Kỷ Nguyên

Sốt đất đặc khu Bắc Vân Phong: Kẻ đút túi hàng trăm tỷ đồng, người tá hỏa vì ‘ôm bom’

Cơn sốt đất tại đặc khu tương lai Bắc Vân Phong thời gian qua đã giúp không ít dân đầu cơ được dịp “hốt bạc”. Tuy nhiên, sau lệnh tạm dừng mọi giao dịch đất tại đây của UBND tỉnh Khánh Hòa, nhiều dân đầu cơ lướt sóng bị “mắc cạn”, ôm “quả bom” đất vì mua phải giá cao.

Giá đất tại Bắc Vân Phong thời gian qua sốt ảo do cò đất thổi giá để trục lợi. Nhiều lô đất trước đây chỉ có giá hơn 100 triệu đồng, chỉ sau vài ngày đã được đẩy lên cả tỷ đồng.

Trước tình trạng “cò đất” lộng hành, thổi giá khiến giá đất tại Bắc Vân Phong tăng phi mã, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành lệnh tạm dừng mọi giao dịch đất tại đặc khu tương lai này. Quyết định này khiến nhiều dân đầu cơ hốt hoảng vì đang “ôm bom”.

Khu du lịch Diệp Sơn là một trong những địa điểm sốt đất nhất của Bắc Vân Phong. (Ảnh: Đời sống & Pháp lý)

Chia sẻ trên Trí thức trẻ, ông Bảo, một người dân Hải Phòng đã vào Bắc Vân Phong 3 tháng nay, tiết lộ đã bỏ túi được hơn 20 tỷ đồng nhờ sang tay được 3 lô đất. Tuy nhiên, hiện trong tay ông vẫn còn một lô đất rộng gần 3.000 mét vuông mua lại từ một “cò” với giá 4,7 tỷ đồng.

Tháng 4 vừa qua có nhiều người đến trả giá 5,5 tỷ đồng nhưng ông không bán vì tin rằng giá sẽ còn tăng cao. Tuy nhiên, bất ngờ tỉnh Khánh Hòa lại siết chặt, cò không làm thủ tục hợp thức hóa được, gần một tháng nay không có người hỏi mua. Sau khi tìm hiểu được biết lô đất này có khả năng nằm trong vùng quy hoạch đặc khu, ông Bảo đang lo có thể mất trắng hàng tỷ đồng.

Ông Vũ, cũng là dân Hải Phòng vào sinh sống tại huyện Vạn Ninh gần 2 năm nay, cho biết đúng là giao dịch và chuyển nhượng đất đai ở đây đang bị siết chặt nhưng không phải là không làm được vì thực tế vẫn có đường dây “chạy” thủ tục.

Ông Vũ được mệnh danh một trong những “trùm” cò đất khét tiếng nhất trong vùng, bởi ông đang sở hữu hàng chục khu đất diện tích khá lớn ven biển. Trước Tết Nguyên đán, khi đất Bắc Vân Phong vào đợt sốt cao nhất, ông Vũ đã kiếm lợi hàng trăm tỷ đồng nhờ bán được nhiều lô đất cho khách hàng từ Hà Nội vào.

Theo ông Vũ, chỉ những người mua đất đai không rõ nguồn gốc mới bị “mắc cạn”. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang “ôm bom” là những người cố tình ôm đất chờ làm giá, nhưng không ngờ mọi việc đến quá nhanh nên giờ chỉ biết… than trời. Cho dù đang có hiện tượng giảm giá để “thoát xác”, cũng không dễ kiếm được người mua.

Cũng theo ông Vũ, thời điểm giữa năm 2016 rất đông các nhà đầu tư từ các tỉnh phía Bắc “tràn” vào gom đất Bắc Vân Phong. Lúc đó, nhiều người dân vẫn chưa nắm thông tin nơi này sẽ thành đặc khu kinh tế nên bán khá rẻ, chỉ vài ba trăm triệu đồng đối với lô đất 1.000 mét vuông. Song chỉ vài ngày các nhà đầu tư bơm thổi thông tin thị trường, mỗi lô đất đã bán được vài tỷ đồng.

Theo ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản tỉnh Khánh Hòa, đất ở Vạn Ninh đang bị làm giá và nhiều khả năng bị vỡ bong bóng trong thời gian tới. Cơn sốt là do giới buôn bán đất ở các tỉnh khác về, cấu kết với hệ thống “cò mồi” để cùng nhau ôm đất rồi thổi giá ảo để bán kiếm lời.

Do đó, nếu không quản lý chặt và có những cảnh báo mạnh mẽ thì khi đặc khu Bắc Vân Phong hình thành sẽ khó khăn trong công tác đền bù giải tỏa, thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Liên quan đến tình trạng giá đất tại Bắc Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc tăng “chóng mặt” thời gian qua, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch HD MON Holdings – cho rằng một trong những khó khăn hiện nay khi đầu tư vào các khu này là việc chưa xong quy hoạch chung mà giá đất bị đẩy lên cao.

“Khi giá đất bị đẩy cao lên như vậy nhưng sau đó không phải là đất ở mà là khu công viên, hay công trình cây xanh, nhà đầu tư sẽ bị lỗ rất lớn”, Dân Trí dẫn lời ông Tuấn nói.

Ngoài ra, ông Tuấn còn cho rằng việc các địa phương hạn chế giao dịch thời điểm này cũng là nhằm bảo vệ nhà đầu tư chứ không phải là kìm hãm thị trường.

Nguyễn Trang

Exit mobile version