Đại Kỷ Nguyên

Sinh viên, công nhân thuê trọ không còn phải trả tiền điện giá cao

Công nhân Khu Công nghiệp Thăng Long tại nhà trọ ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. (Ảnh: Dân Việt)

Hàng triệu người thuê nhà, người ở trọ sẽ không phải đóng tiền điện giá cao gấp 2-3 lần giá điện bán lẻ theo quy định Nhà nước từ chủ nhà trọ.

Thông tư 25/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về thực hiện giá bán điện sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 26/10, theo báo Thanh Niên.

Trao đổi với Zing.vn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM – ông Phạm Quốc Bảo, cho biết thời gian qua có nhiều trường hợp chủ nhà trọ thu tiền điện của người ở thuê với giá rất cao so với quy định. Ông đánh giá hành động này là thu lợi bất hợp pháp, ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi của nhiều sinh viên và người lao động thuê nhà.

Ngậm ngùi trả tiền điện mỗi tháng

N.Toàn, sinh viên Đại học KHXH&NV TP.HCM, cho biết sau một thời gian ở trọ tại quận Bình Thạnh, Toàn đã quyết định vào ký túc xá của trường để tiết kiệm chi phí. Toàn nói rằng nguyên nhân của việc này là do giá tiền điện phải trả cho chủ nhà trọ quá cao.

“Mỗi phòng trọ đều có gắn công tơ riêng nhưng chủ nhà quy định là 3.000 đồng/kWh. Tiết kiệm lắm thì mỗi tháng cũng hết 300.000 đồng. Thú thật, số tiền này quá lớn với sinh viên, thậm chí cao hơn cả tiền phòng một tháng ở ký túc xá”, Toàn cho hay.

Từ hôm nay, ngày 26/10, theo Thông tư 25/2018/TT-BCT, giá bán lẻ điện cho người ở trọ dưới 12 tháng, không xác định được số hộ là 1.858 đồng/kWh. (Ảnh: Zing)

Ngoài sinh viên, công nhân cũng là đối tượng bị các chủ nhà trọ “ép giá” tiền điện nhiều nhất.

Chị Nguyễn Thị Hường quê ở Phú Thọ, làm công nhân cho một công ty tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), thuê nhà ở trọ tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm từ hơn 3 năm nay.

Trao đổi với báo Dân Việt, chị Hường cho hay: “Gia đình tôi có 3 người, thi thoảng có thêm bà ngoại xuống bế cháu là 4 người. Vào mùa hè, phải chạy thêm máy điều hòa vì có trẻ nhỏ nên chi phí tiền điện đã chiếm một khoản tiền quá lớn với thu nhập của cả 2 vợ chồng tôi”.

Công nhân Khu Công nghiệp Thăng Long tại nhà trọ ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. (Ảnh: Dân Việt)

Theo chị Hường, căn phòng 28m2 mà gia đình chị thuê mỗi tháng chi phí 2,7 triệu đồng, tiền nước mỗi người đóng 80.000 đồng/tháng; còn tiền điện mỗi tháng cũng hết 800.000 đồng, vào mùa hè có lúc phải trả tới 1,3 triệu đồng do chủ nhà tính 3.500 đồng/kWh, nếu dùng trên 200kWh còn phải đóng 4.200 đồng/kWh. Trong khi, thu nhập 2 vợ chồng chị mỗi tháng chỉ được tổng cộng 13 triệu đồng.

Chị B.Châu (24 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Long) – công nhân của một nhà máy chuyên về may mặc tại khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân, TP.HCM), cho biết tiền điện là một trong những khoản sinh hoạt cao nhất mà chị phải trả hàng tháng.

“Tại dãy nhà trọ của tôi, hiện trung bình giá điện mỗi tháng phải trả cho chủ là khoảng 3.000 đồng/kWh. Chủ nhà trọ lắp một công tơ điện dùng chung cho nhiều phòng, tới kỳ ghi điện, tổng số kWh sẽ được chia bình quân đầu người”, nữ công nhân nói.

Theo chị Châu, mức giá điện mà chủ nhà trọ áp 3.000 đồng/kWh là quá cao, bởi với trường hợp sử dụng theo hộ gia đình, tiền điện sẽ được tính theo bậc thang với mức thấp nhất chỉ hơn hơn 1.500 đồng/kWh. Với đồng lương công nhân eo hẹp, chị Châu phải trích vài trăm nghìn đồng mỗi tháng cho chi phí tiền điện.

“Chủ trọ lấy tiền điện giá cao, rồi thêm tiền nước, tiền wifi, tiền phòng nên sau khi chi trả, mức lương chỉ hơn 5 triệu đồng mỗi tháng cũng không còn bao nhiêu. Thật sự rất khó tìm những nhà trọ có giá điện rẻ hơn vì nơi nào cũng như nhau”, chị bức xúc.

Theo chị Châu, gần đây chị có biết thông tin về việc quy định mới về giá tính điện cho người ở trọ nên khá hào hứng. Tuy nhiên, chị hơi lo lắng khi không biết chủ nhà trọ của mình có áp dụng quy định này hay không.

Tiết kiệm 61,2% tiền điện so với trước

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) – khẳng định, Cục Điều tiết điện lực đã tổ chức kiểm tra, đồng thời đôn đốc các Sở Công Thương, đơn vị bán lẻ điện ký cam kết thực hiện. Riêng tại Hà Nội đã có 95% chủ nhà trọ ký cam kết bán điện đúng giá quy định. Như vậy, nếu công tác kiểm tra, giám sát và thực thi thực sự nghiêm túc thì từ nay, có thể hoàn toàn loại bỏ tình trạng chủ cho thuê nhà trọ thoải mái ép người thuê nhà phải sử dụng điện với giá rất cao.

Nhân viên Công ty Điện lực Đăk Lăk kiểm tra hệ thống đo đếm điện tại một khu phòng trọ ở TP.Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Dân Việt)

Về cơ chế tính giá, có thể lấy ví dụ định mức 1 người là ¼ hộ thì 4 người tương ứng với 1 hộ gia đình. Khi đó, tiền điện chủ cho thuê nhà trọ sẽ được tính như sau: 125kwh đầu tiên (bậc 1): 50kwh x 1 hộ x 1.549 đồng/kwh = 77.450 đồng; 125kwh tiếp theo (bậc 2): 50kwh x 1 hộ x 1.600 đồng/kwh = 80.000 đồng; 250kwh tiếp theo (bậc 3): 100kwh x 1 hộ x 1.858 đồng/kwh = 185.800 đồng; 50kwh tiếp theo (bậc 4): 50kwh x 2.340 đồng/kwh = 117.000 đồng. Tổng cộng số tiền điện mà chủ nhà phải trả khi có 4 người thuê trọ sẽ là = 459.450 đồng + 10% tiền thuế là 45.945 đồng = 505.395 đồng.

Trường hợp người thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà trọ không thực hiện kê khai đầy đủ số người sử dụng điện thì xác định được số hộ sẽ áp dụng giá bán lẻ điện bậc 3 (1.858 đồng/kWh chưa VAT) cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm tại côngtơ. Ví dụ, lượng điện tiêu thụ của toàn khu trọ là 450kWh/tháng. Cách tính sẽ là: 450kWh x 1.858 đồng/kWh = 836.100 đồng + 83.610 đồng tiền thuế = 919.710 đồng.

Như vậy, nếu như trước đây 4 người thuê trọ bị chủ nhà trọ tính giá “đổ đồng” 4.000 đồng/kWh, mỗi tháng sử dụng 50kWh điện sẽ phải trả 200.000 đồng thì nay chỉ phải trả 77.450 đồng. Tính ra mỗi cá nhân giảm từ 50.000 đồng xuống còn hơn 19.000 đồng, tiết kiệm hơn 30.600 đồng, tương ứng với việc tiết kiệm được 61,2% tiền điện mỗi tháng. Người thuê trọ càng dùng nhiều, số tiền tiết kiệm so với trước đây sẽ càng bị hạn chế hơn.

Minh Tú (tổng hợp)

Exit mobile version