Đại Kỷ Nguyên

The Economist: Samsung giúp Việt Nam tiêu thụ 13 tấn gạo/ngày, xuất khẩu điện thoại nhiều thứ 2

Samsung đã trở thành doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, và những thông tin mới cập nhật từ tạp chí The Economist cho thấy doanh nghiệp Hàn Quốc này đang đóng trò quan trọng như thế nào đối với kinh tế Việt Nam.  

Trong bài viết có tên “Tại sao công ty Samsung của Hàn Quốc lại là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam?” đăng ngày 12/4, The Economist đã nêu ra những yếu tố cho thấy hãng điện tử này đang tạo ra lợi ích to lớn cho nền kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, trong năm 2017, các công ty con của Samsung tại Việt Nam đạt tổng doanh thu 58 tỷ USD, biến công ty này trở thành doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam, vượt qua cả tập đoàn dầu khí PetroVietnam.

Tại Việt Nam, Samsung đã tuyển dụng hơn 100.000 người lao động vào làm việc, trong đó riêng nhà máy Samsung Electronics ở Thái Nguyên đang sử dụng hơn 60.000 lao động người Việt. Ba căng-tin của nhà máy này tiêu thụ khoảng 13 tấn gạo/ngày.

Nhà máy Samsung tại Thái Nguyên sản xuất ra điện thoại di động nhiều hơn bất kỳ nhà máy nào khác trên thế giới, cùng với các nhà máy khác của Samsung tại Việt Nam, đóng góp gần 1/3 sản lượng điện thoại toàn cầu của công ty.

Điều đó đã góp phần giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Riêng Samsung chiếm gần 1/4 trong tổng số 214 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2017.

Nhà máy Thái Nguyên sản xuất nhiều điện thoại nhất cho Samsung. (Ảnh: The Economist)

Tính đến nay, Samsung đã đầu tư tổng cộng khoảng 17 tỷ USD vào Việt Nam và cũng là nhà đầu tư Hàn Quốc lớn nhất tại Việt Nam.

Trong tổng số 108 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà Việt Nam thu hút được kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, các nhà đầu tư Hàn Quốc chiếm 1/3. Ngoài Samsung, một gã công nghệ khồng lồ khác của xứ sở Kim Chi là LG Electronics cũng đang đầu tư lớn vào Việt Nam.

Trong năm 2017, Việt Nam đã thu hút lượng vốn FDI bằng 8% GDP, cao gấp hơn 2 lần so với các nền kinh tế tương đương trong khu vực.

Đối với Samsung, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn thay thế Trung Quốc vì lực lượng lao động trẻ, dồi dào và giá nhân công thấp. Hiện nay, chi phí nhân công của Trung Quốc đã cao gấp hơn hai lần so với Việt Nam.

Lao động chi phí thấp giúp các sản phẩm của Samsung có lợi thế cạnh tranh hơn so với điện thoại thông minh của Apple.

Samsung giúp Việt Nam tiêu thụ 13 tấn gạo/ngày, xuất khẩu điện thoại nhiều thứ 2

Việt Nam cũng nơi giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc phòng tránh những hậu quả từ bất ổn chính trị giữa Hàn Quốc và Trung Quốc. Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã tổ chức một phong trào tẩy chay các công ty và sản phẩm Hàn Quốc để trừng phạt việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Dù phong trào tẩy chay này đã kết thúc, những cũng vẫn khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc phải cảnh giác.

Trong khi đó, Việt Nam lại đang mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2015, Việt Nam đã mở cửa 50 ngành nghề cho các nhà đầu tư nước ngoài và cắt giảm hàng trăm quy định để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Việt Nam và Hàn Quốc đã ký hiệp định thương mại tự do vào năm ngoái. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có chuyến thăm Việt Nam vào tháng trước cùng với các đoàn doanh nghiệp, trong đó có đại diện của Samsung. Đây là chuyến thăm thứ hai của ông Moon tới Việt Nam trong vòng chưa đầy 1 năm cầm quyền. Theo các nhà cố vấn của ông Moon, đầu tư vào Việt Nam là một quyết định sáng suốt.

Việc đầu tư của Samsung đang biến Thái Nguyên và Bắc Ninh trở thành 2 trong số những thành phố giàu nhất Việt Nam. Các nhà hàng, cửa hiệu và khách sạn mọc lên như nấm quanh các khu công nghiệp đặt nhà máy của Samsung. Số lượng các công ty Việt Nam trở thành các nhà cung cấp quan trọng cho Samsung đã tăng 7 lần trong 3 năm qua.

Điều đó cho thấy Samsung quan trọng đối với Việt Nam cũng giống như Việt Nam quan trọng với gã điện tử khổng lồ này.

Minh Tuệ

Exit mobile version