Đại Kỷ Nguyên

Rét đậm kéo dài, gia súc chết hàng loạt: Thẫn thờ ánh mắt vùng cao

Đợt rét đậm kéo dài ở miền Bắc khiến hàng trăm con trâu, nghé nơi vùng cao Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái… bị chết; những buổi sáng cận Tết này, nhiều nông dân không khỏi thẫn thờ khi mở cửa ra là thấy cảnh đàn gia súc đổ gục quanh nhà.

Những ngày qua, rét đậm rét hại đột ngột làm nhiều trâu, nghé không thể chống chịu, nhất là nghé dưới một tuổi và trâu già yếu do có sức đề kháng kém.

Người dân cố gắng cứu trâu bị kiệt sức do rét.

Tuần qua, nhiệt độ sáng sớm trên địa bàn tỉnh Lai Châu dao động từ 0 đến 4 độ C, trong đó những vùng núi cao có độ cao trên 1.600m như Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường nhiệt độ cán mức 0 độ C. Nhiệt độ giảm sâu, cộng với sương mù, độ ẩm cao càng làm cho không khí rét buốt.

Nhiều trâu, bò chết rét ở vùng núi phía Bắc.

Theo Dân Việt, thống kê của Chi Cục thú y tỉnh Lai Châu cho biết, đến cuối tuần qua, trên địa bàn tỉnh đã có 96 con gia súc bị chết do rét đậm, rét hại.

Nhưng Lai Châu chưa phải là địa phương có nhiều gia súc chết vì rét đậm, rét hại nhất. Những tỉnh có trâu, bò chết nhiều nhất là Cao Bằng 666 con, Lào Cai 440 con, Điện Biên 400 con, Hòa Bình 250 con, Yên Bái hơn 100 con.

Nhiều người dân vẫn đưa trâu ra khỏi chuồng trại, không đốt lửa sưởi cho gia súc nên nguy cơ trâu bò chết rét tăng cao.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia súc gục chết là do không chịu được thời tiết khắc nghiệt. Ở một số địa phương, người dân còn chủ quan, chăn thả trâu bò khi nhiệt độ xuống thấp. Bên cạnh đó, nhiều gia đình chưa chủ động dự trữ nguồn thức ăn khô và thức ăn tinh cho gia súc.

Theo Lao Động, dọc quốc 4D từ Lào Cai đi huyện Sa Pa cảnh người dân làm thịt trâu, bò, nghé con chết rét không phải là hiếm. Nhiều gia đình xẻ thịt bán không kịp vì trâu chết liên tục. Cảnh tượng thật xót xa đối với nhà nông.

Trâu già và nghé non chết vì lạnh. Người dân buộc phải thịt bán để mong gỡ gạc phần nào (ảnh: Lao Động).

Anh Lý Phương Chiêu (trú xã Trung Chải, huyện Sa Pa) cho biết, mấy ngày nay do Sa Pa xuất hiện băng tuyết, nhiệt độ xuống thấp nên đàn trâu hơn 10 con của anh bị chết mất hai con. Anh cũng nói thêm, thịt trâu chết bán rất khó, nếu bán được thì giá cũng chỉ từ 100.000 – 150.000 đồng/kg. Có hôm bán không được, anh phải đem thịt chia cho anh em trong nhà ăn.

Nhà ngay cạnh Quốc lộ 4D, anh Lý Láo Lở (25 tuổi) cũng đang xẻ thịt con trâu con mới chết. Hai ngày mưa rét vừa qua khiến nhà anh này bị chết 3 con trâu. Theo anh Lở, số trâu nhà anh chủ yếu chết trên rừng, sau khi phát hiện, anh xẻ thịt luôn ở giữa rừng rồi nhờ mọi người khiêng về nhà gần quốc lộ để bán.

Để chống rét cho trâu, bò đạt hiệu quả cao, Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người dân nên dùng rơm, cỏ, lá chuối, bẹ ngô khô để lót nền chuồng. Đồng thời, có thể dùng bạt, bao ni lông, phên, nứa để quây, che xung quanh chuồng để tránh gió thổi trực tiếp vào chuồng, giảm thiểu thiệt hại trong đợt rét đậm, rét hại này.

Không ít người dân đã nhốt trâu vào chuồng, phủ bạt kín, giữ ấm cho đàn gia súc khi nhiệt độ xuống thấp (ảnh: Quốc Định – Mạnh Chi).

Người dân cũng cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo thời tiết từ các phương tiện truyền thông để chủ động đưa trâu, bò về chuồng; che chắn chuồng trại để tránh gió lùa; di chuyển đàn vật nuôi từ vùng cao xuống vùng thấp hơn để tránh rét. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động tích trữ cỏ khô, rơm, rạ… làm thức ăn bổ sung cho trâu bò vào những ngày rét đậm.

Người dân chủ động đốt lửa phòng chống rét cho gia súc.

Hiện tại nền nhiệt độ đang tiếp tục giảm mạnh, dự báo có thể kéo dài đến hết ngày 6/2, nhiều nơi có nguy cơ xảy ra băng tuyết. Chính vì thế các địa phương được khuyến nghị tiếp tục chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho đàn gia súc, gia cầm trước nền nhiệt độ xuống thấp.

Người dân xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ đưa trâu, bò về chăm sóc, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong đợt rét đậm, rét hại.

Vũ Loan

Exit mobile version