Đại Kỷ Nguyên

Quảng Ninh vượt Đà Nẵng dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 vừa được công bố cho thấy đã có những thay đổi đáng kể. Theo đó,  Đà Nẵng bất ngờ rớt xuống vị trí thứ 2 và “nhường” vị trí dẫn đầu cho Quảng Ninh.
 

Sáng nay (22/3), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức buổi công bố chỉ số PCI 2017. Theo đó, Quảng Ninh đứng đầu bảng xếp hạng gồm 63 tỉnh thành về chỉ số năng lực cạnh tranh với 70,69 điểm.

Xếp sau Quảng Ninh là Đà Nẵng (70,11 điểm) và Đồng Tháp (68,76 điểm). Đây cũng là 3 địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh xếp ở mức tốt nhất tại lần lượt 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Quảng Ninh vượt Đà Nẵng dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Như vậy, sau 4 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số PCI, Đà Nẵng đã rớt khỏi vị trí này.

Trong 5 lần được xếp hạng PCI, đây là lần đầu tiên Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng. Năm 2013 tỉnh này xếp thứ 4, năm 2014 xếp thứ 5, năm 2015 xếp thứ 3, năm 2016 xếp thứ 2 và năm 2017 vươn lên dẫn đầu.

Đối với 2 thành phố lớn nhất Việt Nam, Hà Nội xếp vị trí thứ 8 còn TP.HCM xếp thứ 13 trong bảng xếp hạng PCI 2017.

Đánh giá về bảng xếp hạng này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng bức tranh PCI có nhiều khởi sắc. Điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ giai đoạn khởi đầu của báo cáo PCI từ năm 2005 đến nay và gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số của mình.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng cho biết vẫn có những những điểm chưa hài lòng về bảng xếp hạng năm nay. Cụ thể, tính minh bạch của môi trường kinh doanh chưa cao, thiết chế pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu…

Đây là năm thứ 13 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam với các bộ chỉ số đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh (như thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép, thanh tra, kiểm tra, tham nhũng…); mức độ hỗ trợ của chính quyền (như tính năng động, đào tạo nghề, giải quyết tranh chấp…) theo đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại địa phương.

Cuộc điều tra PCI 2017 nhận được sự phản hồi của 10.245 doanh nghiệp tư nhân trong nước tại 63 tỉnh, thành phố (trong đó có 2.003 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2016 và 2017) và 1.765 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 47 quốc gia đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Nguyễn Trang

Exit mobile version