Đại Kỷ Nguyên

Quảng Nam: Cụ bà U90 thoát chết sau 14 giờ lênh đênh trên đỉnh lũ

Cụ A thoát chết sau 14 giờ lênh đênh trên đỉnh lũ Thu Bồn (Ảnh: Báo Giao Thông).

Cụ bà U90 cùng chiếc ghe nhỏ lênh đênh trên đỉnh lũ sông Thu Bồn suốt 14 giờ thoát chết hi hữu…

Đến chiều 8/11, sức khỏe cụ Trần Thị A (88 tuổi, trú thôn Đông An, xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) đã ổn định sau 14 giờ lênh đênh trên đỉnh lũ sông Thu Bồn, theo báo Giao Thông.

Những người dân thôn Đông An vẫn chưa hết bàn tán sự việc hi hữu về cụ bà Trần Thị A – người bị mất tích trong đỉnh lũ tại huyện Nông Sơn ngày 5/11 vừa qua.

Trước đó, sáng ngày 5/11, lũ nước sông Thu Bồn dâng cao, đạt đỉnh và ngập vào nhà hơn 1 mét. Dù được nhiều người khuyên can nên lên nơi cao ráo tránh lũ nhưng cụ A vẫn nhất quyết ở nhà. Vợ chồng bà Võ Thị Chín (sinh năm 1963, con dâu cụ A) gửi cụ A cho người anh họ để đưa đàn bò vào núi tránh lũ.

Vào thời điểm này, cụ A thấy nước sông cuốn theo củi nên lấy ghe bơi ra rìa sông để vớt củi rồi bị nước lũ cuốn cả người lẫn ghe trôi mất tích. Khoảng 8h sáng cùng ngày, người nhà phát hiện cụ A mất tích nên tỏa ra đi tìm và báo thông tin cho chính quyền địa phương.

“Khi mọi người tỏa ra đi tìm mẹ thì chúng tôi nghe tin bà lấy ghe bơi ra sông. Lúc đó chúng tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất là cụ bị nước nhấn chìm. Lúc về nghe mẹ tôi kể bị nước trôi xuống tới thôn Xuân Hòa (xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn) cách nhà hơn 3 cây số, bà bám sát mép sông rồi đi ngược được lên hướng thôn Bình Yên (xã Phước Ninh)”, bà Chín kể.

Sau khi nhận được tin cụ A mất tích, anh Trần Viết Thành (sinh năm 1986, cháu rể cụ A) cùng bố vợ dùng ghe máy chạy dọc sông Thu Bồn để tìm kiếm.

Đến 21h tối, họ mới phát hiện cụ A cùng chiếc ghe đang ở sát bờ sông. Lúc này chiếc ghe đã chìm, cụ A bám vào được một cây keo nhỏ chới với dưới dòng nước. Bên dưới dòng nước chảy xiết khiến việc tiếp cận cụ A rất khó khăn.

“Lúc đưa bà nội lên ghe thì ghe chúng tôi cũng suýt lật do nước chảy mạnh. Bà lúc đó tím tái, vẫn còn tỉnh nhưng lạnh run. Chúng tôi cởi áo khoác mặc cho bà nội rồi tức tốc quay về nhà đốt lửa ấm, một lúc lâu sau bà mới tỉnh hẳn” – anh Thành nhớ lại.

Khôi Minh

Exit mobile version