Đại Kỷ Nguyên

Phụ nữ Iran lần đầu tiên được đi xem bóng đá sau 40 năm

Nữ cổ động viên Iran. (Ảnh: Rex)

Lần đầu tiên kể từ năm 1979, phụ nữ Iran được phép có mặt ở một sân vận động ở thủ đô Tehran để xem trận cầu kinh điển Iran – Tây Ban Nha hôm 21/6.  

Theo tờ Al-Ahram, phụ nữ Iran lần đầu tiên được xem qua truyền hình trận đấu của đội tuyển quốc gia tại World Cup 2018 vào 21/6. Điều này chỉ được thông báo đến các nữ cổ động viên Iran vào những tiếng cuối cùng trước trận đấu.

Người hâm mộ đội tuyển Iran đã xem trận đấu tại sân vận động lớn nhất của thủ đô Tehran, Azadi qua một màn hình lớn. Vé vào sân có giá 2 Euro, với lượng người mua lên đến 10.000, nói lên phần nào sự cuồng nhiệt của những người hâm mộ tại đất nước Hồi giáo này.

Nhiều fan nữ trên sân vận động Azadi, Tehran cổ vũ cuồng nhiệt cho đội nhà trong “trận chiến” với Tây Ban Nha hôm 21/6. (Ảnh: AFP)

Tờ Telegraph cho biết, niềm hy vọng “phụ nữ được đi xem bóng đá” đã dấy lên từ trận Iran gặp Morroco tuần trước, nhưng nhanh chóng tiêu tan chỉ vài giờ trước khi bóng lăn vì chính quyền nước này không cho phép.

Đội Iran đã giành chiến thắng đầy kịch tính trong trận mở màn với tuyển Morroco hôm 15/6. Đối ngược với tinh thần phấn chấn của các cầu thủ, những người phụ nữ Iran lại phải trải qua “thời khắc khắc nghiệt về tinh thần” vì không được đi xem trận đấu.

“Tinh thần đấu tranh” của các cổ động viên được đẩy lên cao trước trận cầu kịch tính Iran – Tây Ban Nha hôm 21/6 khi các fan nữ đã bị từ chối bán vé ngay tại cổng với lý do “các vấn đề về cơ sở hạ tầng”.

Sự từ chối của cảnh sát đã dẫn đến cuộc biểu tình của đông đảo cổ động viên, nhiều người khẳng định sẽ không rời đi nếu không được vào trong.

Phải đến 1 giờ trước trận đấu, người hâm mộ Iran mới có thể thở phào nhẹ nhõm khi nhận được lệnh đặc biệt từ Bộ trưởng Bộ Nội vụ Abdul Reza Rahmani-Fazli cho phép họ vào sân Azadi. Đồng thời, ông yêu cầu cảnh sát bảo vệ an toàn cho các cổ động viên.

Các cô gái giả trai trên sân vận động Azadi. (Ảnh: Twitter)

Được xem bóng đá chính là mơ ước của những cô gái che mạng đen ở Cộng hòa Hồi giáo Iran. Thay vì chứng kiến những màn tranh tài, họ phải tìm đến rạp chiếu phim. Có lẽ hình ảnh này đã phần nào lay động chính quyền Iran?

Ngày nay, việc có mặt ở các sân vận động tại Nga tưởng như quá đơn giản, khi chỉ cần “bỏ công” ngồi nhà mua vé máy bay và vé vào cửa qua mạng, cộng thêm vài di chuyển. Nhưng điều này hẳn còn nhiều khó khăn với các nữ cổ động viên Iran.

Nhiều phụ nữ Iran vẫn âm thầm đấu tranh cho bình đẳng giới. (Ảnh: PLO)

Trên thực tế, các sân bóng ở Iran đều cấm phụ nữ “bén mảng” đến xem. Tuy nhiên, việc đấu tranh để thay đổi các điều lệ ở quốc gia này là quá khó khăn, đòi hỏi nhiều kiên trì và thường phải có tổ chức. Thậm chí nó có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Trong trận đấu Iran – Tây Ban Nha, nhiều phụ nữ vẫn cố gắng đem theo băng-rôn với thông điệp “Hãy cho phụ nữ Iran vào sân xem bóng đá”. Động thái này nhằm gióng lên “tiếng chuông cầu cứu” đến các tổ chức đấu tranh nhân quyền, bình quyền trên toàn thế giới.

Tấm băng-rôn được một phụ nữ Iran giăng lên trong trận Iran – Tây Ban Nha. (Ảnh: PLO)

Phụ nữ Iran bị cấm đến các địa điểm thể thao từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Những người phản đối cho rằng, phụ nữ không nên nghe những lời chửi thề của fan bóng đá và lực lượng cảnh sát không đủ để đảm bảo an ninh cho nữ giới.

Hồng Hạnh

Exit mobile version