Đại Kỷ Nguyên

‘Phố à, phố ơi’ – Tình yêu của người đi xa dành riêng cho Hà Nội

Sau 20 năm kể từ album Vol.1 “Đoản khúc thu Hà Nội” phát hành năm 1997, bây giờ, ca sĩ Hồng Nhung mới lại phát hành một album riêng về Hà Nội thân yêu mang tên “Phố à, phố ơi”.

“Phố à, phố ơi” được phát hành giữa tháng 12/2017 với 11 ca khúc: “Tôi xưa nay Hà Nội” (Vũ Cát Tường), “Phố à phố ơi”, “Cây bàng của cha” (Lưu Hà An), “Giấc mơ tôi” (Hồng Nhung), “Cây vĩ cầm” (Lê Yến Hoa), “Phố cổ” (Nguyễn Duy Hùng), “Đêm nằm mơ phố” (Việt Anh), “Về với đông”, “Phố thu” (Vũ Minh Tâm), “Lời thú tội” (Dương Khắc Linh – Thanh Bùi – Hồng Nhung), “Thư Hà Nội” (Nguyễn Vĩnh Tiến).


Hồng Nhung trong “Phố à, phố ơi” đã tình cảm hơn, bớt phô trương giọng hát kỹ thuật.

Hồng Nhung lựa chọn cách hát như kể chuyện. Không “lên đồng” ma mị như từng diễn “Ngẫu hứng sông Hồng”, không trưng trổ kỹ thuật với những nốt ngân đằng đẵng như khi hát “Nỗi buồn” của Phú Quang, Hồng Nhung dùng chính kỹ thuật thanh nhạc của mình để điều tiết cảm xúc, khiến mỗi bài hát vang lên đều như lời tự sự – ngắn gọn, thủ thỉ, chân thành, đôi khi da diết.

Album vẽ ra một Hà Nội của Hồng Nhung nhưng rất đặc trưng và thuộc về ký ức chung của nhiều người – có phố cổ, gió mùa đông bắc, cây bàng, có đám bạn thời nhỏ, có bóng dáng của người bà, người mẹ, người cha…


Ca sĩ Hồng Nhung cùng hai con Tôm và Tép.

Trong ca khúc “Giấc mơ tôi” do chính Hồng Nhung sáng tác, cô kể: “Ngày tôi sinh, một mái nhà ngói gốc nhãn già/ Ngày tôi sinh, cái lạnh cắt trên da/ Đêm lắc rắc sương rơi/ Gió rít khẽ qua khe/ Cánh cửa cũ phai sơn/ Vẫn có tiếng ai rao xa xa nghe nao nao”.

Hà Nội còn mang theo câu chuyện về mối tình đầu của Hồng Nhung. “Phố ơi có nhớ/ Trên căn gác nhỏ/ Nơi tôi mơ thấy/ Tình yêu đầu tiên” (Phố à, phố ơi). Đó là những năm 16, 17 tuổi, khi người con gái “mang tên một nhành hoa” của Hà Nội biết đến những rung động đầu đời. Nhạc sĩ Lưu Hà An đã viết hai ca khúc Cây bàng của cha và Phố à, phố ơi dựa trên chính những ký ức về tuổi thơ của nữ ca sĩ.


‘Phố à, phố ơi’ – tình yêu của người đi xa dành riêng cho Hà Nội

Hồng Nhung kể hết cả những điều đẹp đẽ lẫn những nỗi buồn. Có chút tiếc nuối, nhớ thương ký ức. Thế nhưng, cô không khắc khoải đau buồn, chìm đắm trong quá khứ mà đón nhận những đổi thay như một lẽ tất nhiên của đời sống.

“Tôi xưa nay Hà Nội” – ca khúc mở đầu chứa đựng toàn bộ tinh thần bình thản ấy – do Vũ Cát Tường viết nhạc, Hồng Nhung viết lời. Với tư cách người con Hà Nội, Hồng Nhung bày tỏ một thái độ yêu thương, trân trọng Hà Nội xưa và tâm thế sẵn sàng hòa nhập vào đời sống ngày nay.


‘Phố à, phố ơi’ – tình yêu của người đi xa dành riêng cho Hà Nội

Kết album, nữ ca sĩ chọn “Thư Hà Nội” – ca khúc giàu chất thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến. Gói ghém tất cả xúc cảm về Hà Nội, cả riêng lẫn chung.

“Phố à, phố ơi” của Hồng Nhung ra đời sau ba năm ấp ủ. Sản phẩm được trau chuốt với những bản phối tinh tế, hiện đại. Người nghe có thể cảm nhận được cả tiếng chim, tiếng cơn mưa trong “Phố thu”, tiếng đời sống náo động qua giai điệu trong “Tôi xưa nay Hà Nội”.


‘Phố à, phố ơi’ – tình yêu của người đi xa dành riêng cho Hà Nội

Không hề to tát, thông điệp mà Hồng Nhung gửi gắm trong tác phẩm rất đơn giản: Hãy sống hết lòng mỗi ngày và trân trọng cả quá khứ lẫn hiện tại. Như cô chia sẻ: “Nếu đi ngang đường, có ai vẫy tay với mình, hãy chào lại, vì biết đâu ngày mai không bao giờ gặp lại họ nữa”.

“Phố à, phố ơi” có thể nói là một dấu ấn trong sự nghiệp âm nhạc của ca sĩ Hồng Nhung bởi ở đó, âm nhạc giản dị với tiếng hát tình cảm của Hồng Nhung, giảm đi những phô trương giọng hát với danh xưng “diva” vận vào mình.

Loan Vũ

Exit mobile version