Đại Kỷ Nguyên

Phát lộ dấu tích ao hồ tại Hoàng thành Thăng Long từ thời nhà Lê

Toàn cảnh hố khai quật ở phía Đông Bắc di tích nền điện Kính Thiên. (Ảnh: Dân Trí)

Sáng nay (16/5), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã công bố kết quả khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long năm 2018.

VTV News cho biết, ở lần khai quật này, các nhà khoa học đã tìm thấy dấu tích ao hồ trong khu vực chính điện Kính thiên, tương ứng với thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII – XVIII).

Ghi nhận ở hố khai quật năm 2018, rộng khoảng 1.000 m2, nằm chếch về phía Đông Bắc điện Kính Thiên, tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu tích ao hồ thời Lê trung hưng. Có thể, cách đây 3 thế kỷ, nơi đây là một công trình trữ nước và tạo cảnh quan môi trường nhưng đến thế kỷ XIX đã bị lấp đi.

Cuộc khai quật khảo cổ lần này đã xác định được dấu tích kiến trúc thời Lý, Trần, Lê sơ và Lê Trung hưng… (Ảnh: Dân Trí)

Cụ thể theo báo Dân Trí, đã xác định được dấu tích kiến trúc thời Lý, Trần, Lê sơ và Lê Trung hưng với các loại hình kiến trúc như: móng cột, đường đi, bồn hoa, móng đường, móng hồ/ao… Đặc biệt, bước đầu nhận thấy có một vài dấu tích kiến trúc lớn có những nét đáng lưu ý.

Đối với kiến trúc thời Lê Trung hưng đã tìm thấy móng đường xếp bằng gạch thỏi và gạch chữ nhật. Có ý kiến dự đoán đây có thể là một dấu tích móng đường vào các cung điện phía sau cấm thành Thăng Long thời Lê Trung hưng.

Các loại hình kiến trúc như: Móng cột, đường đi, bồn hoa, móng đường, móng hồ/ao… đã được phát lộ. (Ảnh: Dân Trí)

Thời Lê Trung hưng còn có dấu tích móng đá xếp gạch phía trên đang được đoán có thể là một loại hình ao/hồ trong hoàng cung. Tuy nhiên, phạm vi phân bố dòng chảy, dấu tích thu hẹp lòng, chỉnh thể dấu tích kênh đào và dấu tích móng đá phía Nam… cần phải được làm rõ.

Cuộc khai quật đã thu được rất nhiều hiện vật: đất nung, đồ gốm, cấu kiện gỗ, đồ kim loại… (Ảnh: Dân Trí)

Di vật được phát lộ trong cuộc khai quật gồm đất nung, đồ gốm, cấu kiện gỗ, đồ kim loại… Trong số lượng lớn là gạch ngói, đặc sắc nhất là nhóm gạch ngói và vật liệu trang trí lợp mái cung điện tráng men vàng (hoàng lưu ly) và men xanh (thanh lưu ly) thuộc thời Lê sơ (thế kỷ 15 đầu thế kỷ 17).

Các dấu tích kiến trúc thời Lê sơ. (Ảnh: Dân Trí)

Những di vật này cho phép hình dung rõ thêm về loại “ngói Rồng” lợp mái cung điện trong khu vực chính điện Kính Thiên của hoàng đế Lê sơ.

Khôi Minh (tổng hợp)

Xem thêm:

Exit mobile version