Đại Kỷ Nguyên

Phát hiện lô cốt, hầm bí mật tại di tích Hải Vân Quan

Xung quanh Hải Vân quan, quân đội Mỹ đã xây thêm 5 chiếc lô cốt tại các vị trí xung yếu để bảo vệ cứ điểm này. (Ảnh: VnExpress)

Trong quá trình khai quật trên diện tích gần 900 m2 tại Hải Vân Quan (Thừa Thiên – Huế) bên cạnh dấu tích từ thời nhà Nguyễn, các nhà nghiên cứu đã phát hiện công trình kiến trúc mới do quân đội Pháp, Mỹ xây dựng trong giai đoạn từ 1946-1975. 

Ngày 25/8, Sở VH&TT thành phố Đà Nẵng xác nhận với Thanh Niên, sau hơn 4 tháng nghiên cứu và khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện nền móng kiến trúc còn xót lại của di tích Hải Vân Quan thời Nguyễn như bậc cấp, lối đi của hai cổng, hệ thống tường thành, pháo nhãn cùng dấu vết nền móng kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố…

Ngoài ra, trong quá trình khai quật, nhiều dấu tích được xây dựng từ 1946-1975, khi quân đội Pháp và Mỹ đồn trú tại đây cũng được tìm thấy.

Cụ thể, quân đội Pháp, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã cho xây dựng mới hệ thống nhà ở, đồn bốt, lô cốt, công sự, ụ súng… làm thay đổi hoàn toàn bố cục mặt bằng nguyên gốc của di tích.

Phía trên cổng Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Quan đã bị quân lính thời Pháp – Mỹ xây chồng lên một công trình phòng thủ để có thêm độ cao quan sát về hai hướng Đà Nẵng và Huế. Công trình xây mới dù cùng bằng gạch nhưng dễ dàng nhận biết với điểm tiếp giáp ngay trên tấm biển đá được khắc chữ. (Ảnh: VnExpress)
Sau khi đào lớp đất đá, nhà nghiên cứu còn phát hiện hầm bí mật được làm bằng bê tông, cốt thép, dài 12 m, rộng 8,5 m, xuyên qua khu vực Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan về phía rừng. (Ảnh: VnExpress)

Song song với việc nghiên cứu, làm xuất lộ các dấu tích kiến trúc của Hải Vân Quan, các nhà khảo cổ cũng đã thu thập được một số di vật bao gồm vật liệu gạch, ngói, mảnh vỡ các loại hình đồ sành, sứ, gốm men, đồ đất nung và mảnh bia đá thời Nguyễn. Bên cạnh đó là các đồ sinh hoạt được làm bằng sắt, inox và thủy tinh của binh lính quân đội Pháp, Mỹ.

“Chắc chắn sau khi được tiến hành phân loại, xử lý bảo quản, gắn chắp, giám định niên đại… bộ sưu tập hiện vật này sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin khoa học để phục vụ hiệu quả cho việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích”, ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở VH&TT Đà Nẵng tiết lộ với Báo Văn Hóa.

Cùng với việc xây thêm nhiều lô cốt và công trình nhà công vụ, lính Pháp – Mỹ còn làm một đường bê tông nhỏ trên nền đường đá cũ. (Ảnh: TTXVN)

Theo TTXVN, từ kết quả khai quật, các nhà khảo cổ kiến nghị TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên – Huế tháo dỡ kiến trúc xây mới, cũng như các công trình bên trong khu di tích. Đồng thời, phục hồi lại hệ thống tường thành, ụ súng Thần công; cải tạo không gian xung quanh di tích, xây dựng cơ sở hạ tầng để di tích trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Hải Vân Quan là di tích văn hóa, kiến trúc, quân sự đặc biệt, với quy mô và kết cấu quy chuẩn của một lũy thành phòng thủ.

Hải Vân Quan được xây dựng năm Minh Mạng thứ 7 (năm 1826) trên đỉnh đèo Hải Vân ở độ cao 490 m so với mặt nước biển, với một cụm kiến trúc gồm 5 công trình chính bao gồm: Hai cổng vòm, nhà Trú Sở (nơi làm việc, sinh hoạt của vị quan Trấn Thủ), Vũ Khố (nhà kho hỏa dược và diêm tiêu), hệ thống thành lũy. Ngoài ra, tại đây còn có một số công trình khác như các cỗ thần công, hệ thống bậc cấp…

Trải qua gần 200 năm tồn tại, chịu ảnh hưởng của các biến cố lịch sử, tác động của thiên nhiên, hiện nay di tích Hải Vân Quan đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Huyền Hương

Exit mobile version