Đại Kỷ Nguyên

Nước giếng nóng bất thường 70 độ, bốc hơi nghi ngút

Gia đình bà Sửu phải bơm nước giếng lên thùng chứa, chờ nguội mới sử dụng (ảnh: Nhân Mã).

Một tuần qua, nước từ dưới giếng đào của bà Khuất Thị Sửu (thôn 1, xã Hòa Thắng, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bỗng dưng nóng lên bất thường, nếu để tay trong xô nước một lúc thì da có cảm giác nóng rát.

Ngày 14/3, Phòng Tài nguyên và Môi trường Tp. Buôn Ma Thuột cho biết, vừa có công văn đề nghị cấp trên lấy mẫu nước giếng nhà bà Khuất Thị Sửu để kiểm tra, làm rõ vì sao có hiện tượng đột ngột nóng lên bất thường.

Theo bà Sửu chia sẻ trên Dân trí, khoảng 1 tuần trước, khi bơm nước từ giếng lên để dùng thì tá hỏa phát hiện nước bốc hơi nghi ngút, nóng khoảng 60 đến 70 độ C. Những ngày sau đó, hiện tượng này vẫn tái diễn, nhất là vào sáng sớm và buổi trưa.

Giếng nước nóng bất thường của gia đình bà Sửu (ảnh: Duy Hậu).

Giếng nước này được gia đình bà Sửu đào và sử dụng cách đây 35 năm, nằm trong khuôn viên sân trước của gia đình. Giếng sâu 15 mét, nước rất trong, không có mùi lạ và được gia đình dùng để sinh hoạt.

Do nguồn nước giếng nóng bất thường nên những ngày qua, gia đình bà lo lắng và gặp khó khăn trong sinh hoạt. Tuy nước vẫn trong và không có dấu hiệu ô nhiễm, mỗi khi muốn dùng gia đình phải bơm lên và đợi hơn nửa tiếng nước mới hạ nhiệt. Sự việc này đang khiến nhiều người hiếu kỳ tìm đến nhà bà Sửu để xem.

Gia đình bà Sửu phải bơm nước giếng lên thùng chứa, chờ nguội mới sử dụng (ảnh: Nhân Mã).

Báo Đắk Lắk dẫn lời bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, từ trước đến nay trên địa bàn xã chưa từng xảy ra hiện tượng nguồn nước giếng đào nóng lên bất thường như trường hợp của gia đình bà Sửu.

Tuy nhiên, hiện tượng nước giếng nóng lên bất thường như trên cũng từng xảy ra ở một số địa phương. Đơn cử là trường hợp nước giếng của gia đình ông Lê Văn Bảo (thôn Múc, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) đột ngột nóng lên đến 60-70 độ C vào tháng 3/2011.

Trao đổi với báo chí, phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đản – nguyên Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Thủy văn, Địa chất công trình cho hay, hiện tượng này thường gọi là ô nhiễm nhiệt, tức nhiệt độ bỗng dưng tăng lên.

Một số nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu… dự đoán nguyên nhân khiến nước giếng nóng lên trong trường hợp này có liên quan đến hoạt động của đới đứt gãy sông Hồng, hay do động đất, núi lửa… thậm chí cả yếu tố tâm linh khiến người dân tò mò và hoang mang.

Tuy nhiên, nguyên nhân sự việc sau đó được xác định do điện bị rò rỉ. Máy bơm nước của gia đình ông Bảo được thả trực tiếp xuống giếng, sử dụng công tắc mở – đóng điện.

Pha nóng được đấu qua công tắc, còn pha lạnh đấu trực tiếp vào “củ” máy bơm dưới giếng và kết nối liên tục với lưới điện. Do “củ” máy bơm bị hở nên khi bật công tắc bơm nước, nó lập tức đóng vai trò giống như dây mai-xo trong ấm đun nước. Càng gần vị trí hở, nước càng nóng và đặc biệt, nước bơm qua máy được hâm nóng nhiều hơn cả.

Thanh Thanh

Exit mobile version