Không chỉ có sự nghiệp đỉnh cao, mối tình vợ chồng son sắt của nghệ sĩ cải lương Út Trà Ôn còn được nhiều người ngưỡng mộ.
Nghệ sĩ Út Trà Ôn, sinh năm 1919, có tên khai sinh là Nguyễn Thành Út, là con thứ mười trong một gia đình làm nông. Ở nhà ông hay được gọi là Mười Út.
Bố mẹ mất sớm, từ nhỏ, Mười Út phải bươn trải kiếm sống và không được học hành. Ông không biết đọc nhưng chính tình yêu dành cho những điệu vọng cổ và sân khấu đã giúp Út Trà Ôn học thuộc kịch, lời ca mà chẳng cần phải biết chữ. Không chỉ thuộc, ông còn diễn rất “ngọt” và đầy cảm xúc.
Những lúc làm đồng vất vả, ông thường lấy ca hát làm niềm vui. Sở hữu giọng ca trời phú, lại sinh ra trên một vùng đất nổi tiếng với nghệ thuật cải lương nên ông sớm nhận được sự chú ý.
Trong thời gian tham gia giữ chân xướng danh cho các hương chức, hội tề tại lễ cúng ở đình, chàng trai Thành Út được các nghệ nhân trong Ban Nhạc lễ của làng dạy cho 20 bài cổ nhạc. Cùng niềm đam mê ca hát, ông tiếp thu rất nhanh và nhiều tối mải miết ngân nga giữa sân nhà cùng cây đàn cò, ly rượu đế quên cả thời gian.
Năm 1937, với “vốn liếng” 20 bài cổ nhạc ít ỏi, chàng trai Mười Út quyết định từ giã quê hương lên Sài Gòn lập nghiệp. Khi ấy, ông mới 18 tuổi. Ông được nhận vào gánh hát Tiến Hóa và bắt đầu sự nghiệp danh ca của mình.
Thành công đến sớm, Mười Út đi đến đâu cũng được khán giả chào đón. Thay vì lấm lem bùn lầy, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” trên đồng ruộng, Mười Út được đứng trên sân khấu, được sống với đam mê, được tận hưởng những chàng pháo tay không ngớt từ khán giản.
Cũng trong năm 1937, Mười Út được người quen giới thiệu với Đài phát thanh Sài Gòn và từ đó chính thức có nghệ danh Út Trà Ôn, ghép từ cái tên Út và xứ sở Trà Ôn quê ông.
Năm 1948, Mười Út ký hợp đồng 50.000 đồng với ông bầu gánh Tiến Hóa. Thời điểm lúc bấy giờ, đây là con số “khủng” mà nhiều người ao ước. Sau đó, mức cát-xê của ông liên tục tăng từ 50.000 đồng lên 100.000 đồng, 150.000 đồng rồi 300.000 đồng. Năm 1958, Út Trà Ôn gia nhập đoàn Thanh Minh và xác lập kỷ lục về mức cát-xê 750.000 đồng một năm. Báo giới và khán giả trao cho ông nhiều danh xưng và 2 trong số đó là “đệ nhất danh ca” miền Nam và “vua vọng cổ”.
Năm 1954, ông lập gánh hát Kim Thanh, một gánh hát lừng lẫy lúc bấy giờ với nhiều nghệ sĩ tên tuổi lớn ví dụ như: Thanh Tao, Kim Chưởng, Thuý Nga.
Năm 1962, Út Trà Ôn và người bạn thân là nghệ sĩ Hoàng Giang lập gánh Thống Nhứt, rồi cộng tác với các đoàn như: Dạ Lý Hương, Thái Dương, Quốc Thanh, Hương Dạ Thảo, Phương Bình, Thanh Hải, Tân Hoa Lan, Kim Chung.
Tháng 3 năm 1997, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Huân chương Vì sự nghiệp sân khấu vì những đóng góp của ông cho nghệ thuật cải lương..
Cuộc sống vương giả và mối tình bền bỉ
Nhờ nguồn thu nhập cao, Út Trà Ôn từ một anh nông dân trở thành người đàn ông giàu có và hào hoa. Ông có biệt thự, xe hơi, có tài xế, người giúp việc riêng. Là kép chánh nổi tiếng, Út Trà Ông được nhiều bóng hồng ngưỡng mộ, vây quanh. Tuy nhiên, ông chỉ có duy nhất một người vợ và chung thủy với người vợ ấy tới cuối đời.
Vợ ông là Nguyễn Thị Bích Thủy, một cô gái xinh đẹp làm việc tại một quán ăn ở Sài Gòn nơi danh ca thường xuyên lui tới. Gặp được cô gái trẻ, chàng trai Út Trà Ôn đem lòng yêu mến.
Mới đầu, Bích Thủy khá e ngại vì Út Trà Ôn vốn là người nổi tiếng, được nhiều phụ nữ say mê. Nhưng sau đó, bà nhận ra “Vua vọng cổ” rất chân thành, gần gũi và giản dị. Qua thời gian dài tìm hiểu, cả hai nên duyên vợ chồng. Nhờ sự khéo léo của Bích Thủy, cuộc sống gia đình hai người luôn ấm êm, bước qua nhiều thăng trầm của sân khấu cải lương. Ông bà chung sống hạnh phúc hơn 60 năm có với nhau 7 người con, 3 trai, 4 gái, duy nhất có ca sĩ Bích Phượng nối nghiệp cha.
Tình cảm vợ chồng của Út Trà Ôn cũng được nhiều thế hệ đi sau ngưỡng mộ. NSND Bạch Tuyết, nữ nghệ sĩ đã từng được “Vua vọng ca” dìu dắt chia sẻ: “Ông và bà sống mực thước, hết lòng vì nghệ sĩ trẻ. Tấm gương lao động nghệ thuật của ông rất đáng kính trọng. Bà là người phụ nữ chăm lo cho gia đình, một mực yêu kính chồng”.
Dù là người nghệ sĩ được bao người mến mộ nhưng Út Trà Ôn lại rất mộc mạc và khiêm tốn. Dấu ấn vọng cổ của ông cũng chính là phong cách chân phương nhưng rất sâu sắc, đi vào lòng bao thế hệ. Tên tuổi của Út Trà Ôn gắn liền với các bài vọng cổ như Tình anh bán chiếu, Đời cô Nga, Sau bức màn nhung…
NSND Út Trà Ôn qua đời vào ngày 13/8/2001, hưởng thọ 82 tuổi.
Yến Yến