Trong khi nhiều miền quê đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, thậm chí là gián tiếp gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nông dân xã Bình Trị (Quảng Nam) lại đi thu mua rơm về trồng nấm và kiếm hàng chục triệu đồng từ mô hình kinh doanh này.
Theo Vnexpress, còn khoảng nửa tháng nữa mới đến vụ thu hoạch lúa đông xuân 2018 ở Quảng Nam nhưng nhiều nông dân ở đây đã sốt sắng tìm lao động đi mua rơm rạ về phục vụ cho các trang trại trồng nấm.
Ông Thái Tấn Dũng, người có 4 năm trồng nấm rơm ở xã Bình Trị (Thăng Bình, Quảng Nam), cho biết mỗi năm ông cần 35 mẫu (17,5 ha) rơm.
Vào vụ gặt, ông Dũng thường đến các xã ở huyện Thăng Bình và Quế Sơn gặp chủ ruộng thương lượng giá cả mua rơm. Trung bình một mẫu lúa giá 2 triệu đồng, thêm 2 triệu đồng thuê nhân công phơi khô và xe vận chuyển về nhà.
Số rơm đưa về, ông chất thành đống cao như quả núi trong vườn nhà, dùng làm nấm cho cả năm. Mỗi tháng, hai trại nấm của ông đóng 3.000 bịch, hết khoảng 3 mẫu rơm.
Sau tầm 15 ngày kể từ lúc cho cấy giống, lứa nấm đầu tiên được thu hoạch. Tiếp đó, khoảng 10 ngày nữa thì hết chu kỳ trồng nấm rơm.
Theo ông Dũng, trung bình mỗi đợt ông thu khoảng 2 tạ nấm, giá bán 70.000-250.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông lãi tầm 15 triệu đồng.
Cũng trồng nấm nhiều năm ở xã Bình Trị, ông Trần Tứ cho biết mỗi năm đi thu mua 20 mẫu rơm. Đầu mùa gặt lúa, ông đến các xã lân cận mua rơm. Nếu số lượng chưa đủ, ông ra huyện Quế Sơn, Duy Xuyên cách nhà 20 km.
Ông Tứ khẳng định quê ông không nghề nào thu nhập cao như trồng nấm rơm. Mỗi tháng trại nấm của ông sản xuất 1.500 bịch, hết 1,5 mẫu rơm rạ và cho lãi khoảng 10 triệu đồng. Số tiền này so với chăn nuôi hoặc trồng lúa cao gấp nhiều lần.
Chia sẻ trên Vnexpress, Chủ tịch xã Bình Trị Lê Viết Mãnh cho biết nghề trồng nấm được hình thành ở xã 10 năm nay. Ban đầu chỉ một hộ nhưng sau đó cây nấm đem lại hiệu quả kinh tế, mọi người học hỏi nhân rộng.
“Toàn xã trên 100 hộ sản xuất nấm rơm, mỗi năm bà con thu mua hơn 1.000 ha rơm ở Quảng Nam, giải quyết được một phần phế thải rơm rạ. Nông dân vì thế không phải đốt tại ruộng, làm giảm ô nhiễm môi trường, tăng nguồn thu cho người trồng lúa”, ông Mãnh nói.
Tương tự, tại các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, thay vì bị đốt bỏ như trước kia, rơm rạ cũng trở thành mặt hàng giúp người dân nơi đây gia tăng thu nhập.
Theo Dân Việt, rơm tươi đóng cuộn từ vụ lúa đông xuân rất đắt hàng, được thương lái vào thu mua tận ruộng với giá cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, mỗi cuộn rơm tươi nặng khoảng 20-25 kg được thương lái thu mua tại ruộng với giá khoảng 30.000 đồng/cuộn, tăng từ 7.000-8.000 đồng/cuộn so với thời điểm năm trước.
Nông dân ở Bến Tre cho biết, giá rơm năm nay tăng là do thời gian gần đây rơm được xuất khẩu sang Nhật để làm chiếu và làm thức ăn cho bò nên được nhiều cơ sở thu mua rất cao.
Một số thương lái thu mua rơm rạ ở Bến Tre, Tiền Giang cho biết hiện người dân có nhu cầu sử dụng rơm khá lớn nên việc mua bán rơm rất sôi động. Do được cuộn gọn gàng, nên có thể sử dụng thuyền hoặc xe tải để vận chuyển đến các địa điểm tiêu thụ.
Nhờ nhu cầu tiêu thụ lớn nên nông dân và thương lái kiếm được tiền triệu từ rơm rạ. Bên cạnh đó, việc sử dụng rơm trong chăn nuôi, ủ giữ ẩm cho cây trồng đã làm giảm bớt ô nhiễm môi trường do thói quen đốt bỏ tại đồng.
Nguyễn Trang