Củ khoai vạc hình gốc cây cổ thụ nặng 110kg khiến ba người cùng đào hơn 1 tiếng mới đưa được lên khỏi mặt đất.
Chia sẻ với báo giới, anh Nguyễn Văn Đường (xã Sơn Thủy, Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, hai ngày trước có vào rẫy ở thôn Minh Thủy đã phát hiện một gốc khoai vạc rất to lớn (còn gọi là khoai mỡ).
Theo anh Đường, củ khoai trồi lên mặt đất, nhưng khi đào sâu một mét vẫn chưa hết thân. Trong quá trình đào, anh Đường phải nhờ thêm hai người cùng xóm trợ giúp, mỗi người đào một góc. Hơn 1 tiếng, ba người mới khiêng được củ khoai lên khỏi mặt đất.
Khi đưa về đến nhà, anh Đường cân củ khoai lên thì thấy nó nặng 110kg. “Tôi từng thấy củ khoai nặng hơn 10 kg còn nặng đến hơn 100 kg thì giờ mới chứng kiến”, anh Đường nói với Zing.
Hiện tại, củ khoai đang được gia đình anh Đường bảo quản. Anh Đường cho biết, nếu các nhà khoa học muốn lấy để bảo tồn giống hay nghiên cứu thì anh sẵn sàng tặng.
Nếu trong thời gian tới không có nhà khoa học nào “hỏi thăm”, anh Đường sẽ nấu chè đãi cả xóm.
Khoai vạc (hay khoai mỡ, khoai tím, củ cái, củ mỡ, khoai trút, khoai ngọt…) có tên khoa học Dioscorea alata, họ Củ nâu, được trồng nhiều ở châu Phi.
Ở Việt Nam, cây trồng khắp nông thôn để lấy củ ăn; củ nặng 4 đến 50 kg. Đông y gọi là Mao thử. Khoai vạc có 2 loại ruột trắng và ruột tím.
Hoàng Minh