Đại Kỷ Nguyên

Những thương vụ thoái vốn nhà nước đình đám của Việt Nam năm 2017

Năm 2017, thoái vốn Nhà nước đã có một năm thăng hoa với nhiều thương vụ bán vốn "khủng"

Năm 2017, thoái vốn Nhà nước đã có một năm thăng hoa với nhiều thương vụ bán vốn lớn, gây tiếng vang trên thế giới và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam. Bên cạnh đó, giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh.

Thương vụ thoái vốn Vinamilk, SCIC thu về gần 9.000 tỷ đồng

Ngày 10/11, SCIC bán thành công hơn 48 triệu cổ phiếu của Vinamilk với mức giá 186.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu về là gần 9.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC, giao dịch chào bán cổ phần Vinamilk thành công trên mức kỳ vọng với tổng giá trị bán cổ phần thu về cho ngân sách nhà nước cao hơn khoảng 2.000 tỷ đồng so với giá trị tính trên giá khởi điểm.

Tập đoàn Jardinr Cycle & Carriage (JC&C) của Singapore là nhà đầu tư duy nhất trúng giá trong phiên đấu giá 3,3% cổ phần của Vinamilk. Bên cạnh số cổ phần mua lại từ SCIC thông qua đấu giá, JC&C còn mua thêm lượng lớn cổ phiếu Vinamilk thông qua giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận trên sàn chứng khoán.

Vụ Sabeco, Bộ Công Thương thu về gần 110.000 tỷ đồng

Vụ thoái vốn Sabeco đã gây tiếng nổ vang trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chiều 18/12, thương vụ chào bán cạnh tranh hơn 53,59% của Bộ Công Thương tại Sabeco đã thành công tốt đẹp. Nhà nước thu về hơn 110.000 tỷ đồng.

Thương vụ này đã gây nhiều bàn tán ở cả trong nước và quốc tế, cả trước và sau buổi đấu giá, bởi trước khi đấu giá chỉ có một đại diện duy nhất là Công ty TNHH Vietnam Beverage đăng ký mua 327 triệu cổ phần Sabeco, tương ứng tỷ lệ 51%.

Điều đáng nói ở đây, mặc dù Vietnam Beverage được tính là một pháp nhân trong nước nhưng người sở hữu doanh nghiệp này thực chất lại là tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi. Sau khi ôm trọn lô hơn 343 triệu cổ phần của Sabeco, Vietnam Beverage trở thành cổ đông lớn nhất của hãng bia này.

Vietnam Beverage được thành lập tháng 10/2017, công ty con của F&B Alliance Việt Nam. Hãng bia Thái Lan ThaiBev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi lại gián tiếp sở hữu 49% cổ phần của F&B Alliance Việt Nam. Theo quy định của Luật Chứng khoán, Vietnam Beverage được xem như một doanh nghiệp trong nước nên không thuộc trường hợp bị hạn chế sở hữu 49% vốn tại Sabeco.

Bình luận về quyết định mua cổ phần giá “khủng” của ông trùm Thái Lan, nhiều chuyên gia cho rằng, việc thâu tóm thị trường bia và đồ uống Việt Nam sẽ giúp ThaiBev đạt được mục tiêu năm 2020 là mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Trong đó, khu vực nước ngoài sẽ chiếm đến 50% tổng doanh thu của tập đoàn. Đặc biệt, Sabeco được coi là một lựa chọn chiến lược và hiện chiếm giữ 40% thị phần Việt Nam.

Phiên khớp lệnh kỷ lục 128 triệu cổ phần của DIG, Bộ Xây dựng thu về gần 2.500 tỷ đồng

Ngày 28/11, Bộ Xây dựng bán toàn bộ 118,26 triệu cổ phiếu của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) với giá 19.250/cổ phiếu. Phiên bán vốn ngay lập tức làm nóng sàn chứng khoán với phiên khớp lệnh kỷ lục lên tới 128 triệu cổ phần. Với giá bán 19.250 đồng/cổ phiếu, Bộ Xây dựng ước thu về 2.472 tỷ đồng, cao hơn 28,33% so với giá kỳ vọng tối thiểu.

DIC Corp là doanh nghiệp thuộc quản lý của Bộ xây dựng được thành lập từ năm 1990 với hoạt động kinh doanh chủ đạo là phát triển bất động sản, xây lắp, sản xuất việt liệu xây dựng.

Sau khi Bộ Xây dựng thoái vốn, DIG đã đón thêm 3 cổ đông lớn bao gồm nhóm Dragon sở hữu 23,05% vốn, Tae Kwang Vina Industrial đến từ Hàn Quốc nắm 10,21% và CTCP Đầu Tư Phát triển Thiên Tân gom thêm 3 triệu cổ phần, chiếm 6,14% vốn điều lệ.

Bên cạnh những thương vụ thoái vốn đình đám giúp nhà nước thu về hàng nghìn tỷ đồng cũng có những quả bom “xịt” khi chào bán không thành công. Điển hình là vụ SCIC chào bán 21,8% vốn tại Vinaconex chỉ có 1 tổ chức đăng ký mua 5 triệu cổ phần và 2 cá nhân đăng ký mua 350.000 cổ phần, đạt 5,56% lượng chào bán.

Vụ bán 20% cổ phần ACV của Bộ Giao thông Vận tải cũng thất bại khi không đạt được thỏa thuận với nhà đầu tư.

Nguyễn Thu

Exit mobile version