Đại Kỷ Nguyên

Những chiêm nghiệm sâu sắc về gia đình từ phim ‘Gạo nếp gạo tẻ’

Không đơn thuần là bộ phim mang tính giải trí, Gạo nếp gạo tẻ còn khéo léo lồng ghép bên trong nhiều giá trị nhân văn ý nghĩa.

Cha mẹ yêu thương con cái vô điều kiện

Trái ngược với hình ảnh bà Mai thường vô lý, đối xử bất công với con cái, Gạo nếp gạo tẻ còn xây dựng thành công hình ảnh người cha hiền hậu và sống hết mình vì con cái. Đó là ông Tuấn (cố nghệ sĩ Nguyễn Hậu) và ông Vương (Mai Huỳnh).

Khi Kiệt (Trung Dũng) trượt đại học, ông Tuấn không trách cứ mà khuyên con trai vững vàng làm lại. Lúc Kiệt trắng tay, một lần nữa cũng là ông động viên, đưa hết phần tài sản dành dụm cả đời của mình, giúp anh có thêm nghị lực để gây dựng lại sự nghiệp.

Trước sự quá quắt và hiếu thắng của nàng dâu Hân, ông vẫn giữ thái độ từ tốn, chưa một lần buông lời trách cứ hay la mắng.

Cố nghệ sĩ Nguyễn Hậu ấn tượng qua vai người cha hiền hậu, bao dung.

Còn ông Vương, trong gia đình là người con hiếu thảo và người chồng, người cha mẫu mực. Nhìn cảnh bà Mai đối xử với Hương như người dưng, ông luôn chạnh lòng. Dù nhiều khán giả cho rằng vai của ông hơi nhu nhược, thực tế, ông vẫn âm thầm đứng sau an ủi, động viên và giúp đỡ Hương.

Khác với vợ, ông Vương luôn hết lòng yêu thương và công bằng với các con.

Khi con mở tiệc tân gia, ông là người đầu tiên đến. Ông giúp Hương hẹn gặp mẹ để bày tỏ lòng mình. Tình cảm ông dành cho con gái như để bù đắp lại sự phân biệt đối xử của bà Mai với cô.

Khi con rể Kiệt sa cơ, ông không vào hùa cùng vợ trách móc anh mà là người bạn, lắng nghe và chia sẻ với anh.

Phận làm con luôn giữ trọn chữ Hiếu

Xem phim, không ít lần người xem cảm thấy bức xúc, phẫn nộ trước sự đối xử bất công của bà Mai với hai con gái.

Chỉ vì Hương nhỡ có bầu trước khi cưới, lại lấy phải Công – ham chơi, không công việc ổn định mà bà Mai luôn mắng nhiếc, thậm chí dành cho Hương những lời cay độc.

Hương là người con rất mực hiếu thảo trong gia đình.

Tuy vậy, Hương chỉ buồn và suy nghĩ, chứ chưa bao giờ cô oán trách hay căm hận mẹ mình. Dù mỗi lần đến nhà, cô đều bị bà đem ra so sánh với Hân – cô em gái xinh đẹp, lấy chồng giàu có.

Cách cư xử nhẹ nhàng, ân cần và nhẫn nhịn của Hương phần nào chứng minh rằng dù bố mẹ có như thế nào, phận làm con luôn phải làm tròn chữ Hiếu. Đó là truyền thống văn hóa của người Việt.

Giàu có không mang đến hạnh phúc

Dù bị khán giả ném đá bởi sự trơ tráo, là con giáp thứ 13 phá hoại hạnh phúc gia đình Hân – Công, suy cho cùng, Nhi (Băng Di) lại là người chịu nhiều thiệt thòi.

Từ nhỏ cô đã thiếu thốn tình cảm từ cha ruột, lớn lên lại bị ép kết hôn với người cô không yêu. Tuy cuộc sống dư dả, nhà đẹp xế sang nhưng Nhi luôn cảm thấy cô đơn. Gặp Công, cô mới biết thế nào là tình yêu. Công là người duy nhất ở bên lắng nghe, an ủi và động viên cô.

Nhi – cô gái xinh đẹp, giàu có nhưng lại không hạnh phúc.

Tình nghĩa vợ chồng không dễ mai một

Bên cạnh câu chuyện về tình cảm mẹ con, cha con, Gạo nếp gạo tẻ còn đề cập đến nhiều cung bậc cảm xúc trong cuộc sống hôn nhân. Phim đề cao sự gắn bó và tình nghĩa vợ chồng.

Không ít lần khán giả chê trách Hương quá nhu nhược khi đứng trước người chồng phản bội và cô nhân tình trơ trẽn. Tuy vậy, không thể phủ nhận Hương là mẫu người phụ nữ bao dung, vị tha và hết lòng vì chồng con.

Nhiều lần cô phải xuống nước năn nỉ chồng, cũng chỉ bởi mong muốn giữ được mái ấm cho các con. Không phải Hương không biết ghen, biết giận, mà vì cô biết trân trọng những năm tháng khó khăn, gắn bó bên Công.

Qua câu chuyện của Hương, phim đề cao tình nghĩa vợ chồng sắt son.
Kiệt là người chồng thủy chung, sống trách nhiệm, dù nhiều lúc anh rất nhu nhược và để vợ lấn lướt.

Hạ Nguyên

Exit mobile version