Với tâm lý tò mò, thích đồ ngoại, nhiều người Việt không tiếc tay chi tiền mua hoa quả nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Úc, Malaysia… có giá bán lên đến vài triệu đồng một kg.
Chia sẻ trên Thanh niên, chị Thu ở Quận 10 (Tp.HCM) thừa nhận chị là tín đồ của sầu riêng nên năm nào vào mùa chị cũng tiêu thụ hơn chục cân sầu riêng “ủng hộ” các nhà vườn ở miền Tây. Năm nay, ngoài các loại sầu riêng đặc sản trong nước và Thái Lan, chị Thu còn lùng mua cả sầu riêng “đại gia” Musang King đến từ Malaysia. Giá mỗi kg sầu riêng Musang King khoảng 1,5-1,6 triệu đồng, đắt hơn gấp 15 lần so với sầu riêng Việt Nam.
Theo chị Thu, thời gian gần đây thấy lan truyền trên mạng hình ảnh sầu riêng Malaysia có màu sắc rất hấp dẫn. Vì là dân nghiền sầu riêng nên dù giá bán có khá đắt đỏ chị vẫn quyết tâm tìm mua ăn thử cho biết.
Đại diện một số cửa hàng bán hoa quả nhập ngoại ở Tp.HCM cho biết sầu riêng Malaysia có giá cao ngất ngưởng như vậy vì chủ yếu là hàng xách tay. Mùi vị tuy có khác biệt nhưng ngon hay không còn tùy vào khẩu vị của từng người.
Ngoài sầu riêng Malaysia, người tiêu dùng Việt còn lùng mua rất nhiều loại trái cây ngoại “sang chảnh” khác như cherry đỏ và vàng nhập khẩu từ Mỹ với giá từ 1-1,2 triệu đồng/kg, mâm xôi đỏ từ Úc giá 2,5 triệu đồng/kg, việt quất cũng của Úc giá đến 2,4 triệu đồng/kg…
Chị Hương, đại diện một cửa hàng bán hoa quả ở Quận 1, cho hay số người có tiền ở Sài Gòn ngày càng nhiều và họ có nhu cầu thưởng thức các loại trái cây mới lạ. Trong khi đó, các loại trái cây có giá trung bình vài trăm nghìn đồng một kg như táo, lê, hồng, nho, dâu, kiwi… ngày càng trở nên bình thường.
Thực tế, việc ưa dùng hoa quả ngoại không chỉ vì hương vị lạ mà còn do tâm lý của người Việt thường tin tưởng hàng nhập khẩu sẽ an toàn, đảm bảo hơn. Tuy nhiên, chất lượng trái cây nhập cũng rất phập phù.
Anh Minh, chủ một cửa hàng bán hoa quả nhập ngoại trên đường Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết người tiêu dùng Việt thường rất chuộng mua trái cây nhập khẩu từ một số nước có tiếng vì các loại trái cây này được dán tem đầy đủ, công khai các thông tin về sản phẩm như nguồn gốc, nhãn mác chính gốc.
Tuy nhiên, chia sẻ trên Lao động hồi tháng 5, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết hoa quả bán lẻ ngoài chợ hay siêu thị, việc dán tem xuất xứ là không bắt buộc.
“Dán tem ngoại chỉ là một hình thức đánh lừa người tiêu dùng. Người tiêu dùng không nên quá tin vào tem dán, bởi nó không thể đảm bảo chính xác nguồn gốc hàng hóa”, vị này nói.
Theo vị này, việc xử lý các vi phạm trên không dễ. Năm nay, các loại tem không ghi rõ là Made in USA… mà chỉ ghi USA. Khi chào mời khách, chủ hàng sẽ nói là trái cây Mỹ, nhưng khi lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, họ sẽ thừa nhận là “giống táo Mỹ nhưng trồng ở… Trung Quốc”.
Như vậy, có thể thấy một số loại tem được dán vào trái cây cũng chỉ là “cái mác” để người mua yên tâm, còn chất lượng thực sự như thế nào thì chỉ người bán mới biết chính xác. Lợi dụng tâm lý chuộng hàng ngoại của nhiều người tiêu dùng, không ít cơ sở kinh doanh trái cây sử dụng tem mác để “lên đời” sản phẩm nhằm móc túi khách hàng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thái Lan và Trung Quốc đang là 2 quốc gia dẫn đầu thị trường về lượng rau quả nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, lượng hoa quả nhập từ các thị trường cao cấp đang tăng mạnh. Riêng mặt hàng quả nhập khẩu trong 5 tháng qua đạt gần 420 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường có tốc độ nhập khẩu tăng mạnh như Úc tăng 2,25 lần, Mỹ tăng 2,16 lần, Hàn Quốc gấp 2 lần. |
Nguyễn Trang