Đại Kỷ Nguyên

Nhiều người dùng lo ngại trước nghi vấn hàng không rõ nguồn gốc của Con Cưng

Quản lý thị trường Tp.HCM đang kiểm tra tại cửa hàng Con Cưng. (Ảnh: Pháp luật Tp.HCM)

Sau vụ lùm xùm nhập nhèm tem mác, chuỗi siêu thị Con Cưng đang phải đối diện với hàng loạt câu hỏi và sự hoài nghi của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm của đơn vị này.

Lực lượng Quản lý thị trường Tp.HCM vẫn đang tiếp tục kiểm tra các cửa hàng của chuỗi siêu thị Con Cưng sau khi có khách hàng tố đơn vị này gian lận tem mác sản phẩm. Đáng chú ý, không chỉ cá biệt một mặt hàng, cho đến nay đã có hơn 10.000 sản phẩm của Con Cưng ở Tp.HCM bị tạm giữ vì có dấu hiệu vi phạm nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.

Là một trong những hệ thống siêu thị lớn với hơn 300 cửa hàng trải khắp Bắc Nam, sự cố của Con Cưng đã dấy lên nhiều luồng dư luận, đặc biệt là của những khách hàng đã “chọn mặt, gửi vàng” ở Con Cưng.

Tri thức trực tuyến ngày 26/7 dẫn lời chị Nga ở quận Bình Tân (Tp.HCM) cho biết chị vốn là khách hàng thường xuyên của một cửa hàng Con Cưng gần nhà. Từ tháng cuối cùng của thai kỳ cho đến nay con đã hơn 1 tuổi, chị và chồng luôn ưu tiên chọn thương hiệu này để mua các sản phẩm dành cho bé, từ quần áo, tã lót đến đồ chơi, nước giặt quần áo. Chính vì vậy, những thông tin Con Cưng liên tiếp bị phát hiện sai phạm mấy ngày nay khiến chị rất hoang mang.

Chị Mai, nhân viên văn phòng ở Quận 5, tỏ thái độ bức xúc: “Là phụ huynh có con nhỏ, chúng tôi luôn cố gắng tìm mua những sản phẩm uy tín với mong muốn con mình được chăm sóc tốt nhất. Tôi có cảm giác như mình đã bị công ty lợi dụng lòng tin và lừa dối khách hàng suốt thời gian qua”.

Tương tự, chia sẻ trên Nhịp sống kinh tế, chị Vân Anh ở khu đô thị Trung Văn (Hà Nội) cho biết, vì tin tưởng, chị đã nhiều lần mua quần áo, các loại sữa cho cả ba đứa con tại hệ thống Con Cưng ở Hà Nội. Do đó, trước nghi vấn gian lận tem mác của Con Cưng tại Tp.HCM, chị rất lo ngại về chất lượng của các sản phẩm đã mua tại hệ thống này.

Cũng là một khách hàng thân thiết của hệ thống Con Cưng, chị Hoài An (ở An Khánh, Hà Nội) cảm thấy rất lo lắng. Chị An cho rằng trong kinh doanh chỉ cần một lần bất tín thì vạn lần bất tin. Sự việc xảy ra tại Tp.HCM, nhưng không ai dám chắc những cửa hàng của chuỗi siêu thị này ở các khu vực khác không có chuyện khuất tất.

Hiện cơ quan chức năng vẫn trong quá trình kiểm tra, xác minh về chất lượng sản phẩm của Con Cưng. Để trấn an những lo lắng của khách hàng, trên Fanpage và website, Con Cưng luôn khẳng định các sản phẩm được bày bán tại cửa hàng của hệ thống đều có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng.

Sau khi nhận được phản ánh về mã hàng CF G127011 có dấu hiệu bị thay tem mác, công ty đã thu hồi toàn bộ 5.982 sản phẩm của lô hàng đang trưng bày tại cửa hàng. Đồng thời, ngày 13/06, Con Cưng đã gửi tin nhắn đến 3.942 khách hàng để thông báo thu hồi sản phẩm và gửi phiếu quà tặng với giá trị tương đương để mua sản phẩm mới.

Nói về sự cố nhãn mác, đại diện của Con Cưng cho biết đơn vị đã làm việc với nhà sản xuất, rà soát lô hàng và nhận thấy lỗi của Con Cưng là đã không kiểm tra hết toàn bộ lô hàng. Ngoài ra, đại diện Con Cưng cũng cho biết đơn vị này sẽ xem xét và chấm dứt việc hợp tác với nhà cung cấp sản phẩm này và không nhập những sản phẩm tương tự.

Tuy nhiên, những giải thích của Con Cưng vẫn chưa đủ sức thuyết phục người tiêu dùng, đặc biệt là khi số lượng sản phẩm bị tam giữ của chuỗi siêu thị này do có dấu hiệu vi phạm nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, ngày càng tăng cao.

Con cưng có thể bị xử lý như thế nào?

Liên quan đến vụ lùm xùm tem mác của Con Cưng, luật sư Ngọc Linh, Công ty Luật AT, cho rằng hành vi của chuỗi siêu thị này có thể bị xử lý theo khoản 2, điều 33, Nghị định 71/2014/NĐ-CP.

Cụ thể, theo quy định, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 80-140 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về một trong các nội dung: Giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hóa, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công; cách thức sử dụng, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành; các thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn khác.

Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, buộc cải chính công khai hoặc bị tước giấy phép kinh doanh từ 1-6 tháng.

Vỹ An

Exit mobile version