Đại Kỷ Nguyên

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động, hút vốn cuối năm

Ảnh minh họa.

Nhu cầu huy động vốn để phục vụ mùa giải ngân cao điểm cuối năm, cộng thêm áp lực từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất đã khiến nhiều ngân hàng chạy đua tăng lãi suất huy động.  

Theo Infonet, kể từ ngày 5/10, lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tăng nhẹ từ 0,1-0,2%/năm đối với nhiều kỳ hạn.

Cụ thể, Vietcombank đã tăng lãi suất thêm 0,2%/năm tại các kỳ hạn ngắn, lên 4,3%/năm đối với lãi suất 1 tháng, 2 tháng và 5,3%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng.

Lãi suất kỳ hạn 3 tháng và 9 tháng giữ nguyên, lần lượt là 4,6%/năm và 5,5%/năm. Đối với các kỳ hạn từ 1 năm trở lên, lãi suất đồng loạt được kéo lên 6,6%/năm, thay vì mức 6,5%/năm trước đó.

Tại VietinBank, lãi suất huy động kỳ hạn 1 và 2 tháng cũng được điều chỉnh tăng 0,2%/năm so với trước đó lên 4,5%/năm.

Mức điều chỉnh tăng 0,2%/năm cũng được ngân hàng này áp dụng đối với các kỳ hạn còn lại. Lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng tăng lên 4,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng lên 5,5%/năm.

Ngoài hai ngân hàng trên, một số ngân hàng khác như ACB, Maritime Bank, VPBank… cũng tăng nhẹ lãi suất huy động từ ngày 5/10.

Theo Báo Đầu tư Chứng khoán, nguyên nhân khiến các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi một phần là do nhu cầu huy động vốn để phục vụ mùa giải ngân cuối năm. Những tháng cuối năm vốn được coi là mùa kinh doanh cao điểm của các doanh nghiệp nên nhu cầu vay vốn ngân hàng cũng sẽ gia tăng.

Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào cuối tháng 9 cũng phần nào tạo áp lực lên lãi suất tiền đồng.

Theo một chuyên trong lĩnh vực tài chính, trong bối cảnh đồng USD có xu hướng tăng giá, nhiều ngân hàng phải tăng lãi suất huy động tiền đồng để tránh việc khách hàng rút tiền đồng chuyển sang đầu cơ USD hoặc qua các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán…

Đánh giá tác động của đà tăng lãi suất huy động tới chi phí vay, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng mặt bằng lãi suất tiền gửi khó giảm vào cuối năm. Mức tăng lãi suất đầu vào dù không quá cao vẫn sẽ gây áp lực lên lãi suất đầu ra.

Trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo lãi suất cho vay sẽ bắt đầu tăng lên từ năm 2019 do những rủi ro từ cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2018, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9,52% , thấp hơn mức tăng 11,02% của cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng còn đạt mức thấp hơn là 9,15% (cùng kỳ năm 2017 tăng 10,08%).

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy hiện mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm.

Trong khi đó, lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. So với lãi suất cho vay VND, lãi suất cho vay USD hiện thấp hơn khá nhiều, phổ biến ở mức 2,8-6%/năm.

(Tổng hợp)

Exit mobile version