Đại Kỷ Nguyên

Nhiếp ảnh gia người Pháp ghi lại văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam

Nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn đã đi qua hơn 35 quốc gia và đặc biệt nổi tiếng về các bức ảnh chân dung tại Việt Nam, Cuba và Ấn Độ. Anh đến Việt Nam lần đầu vào năm 2007 và bắt đầu đam mê chụp ảnh về cuộc sống của người dân vùng núi.

Réhahn, sinh ra vào ngày 4/5/1979 tại Bayeux, Normandy, Pháp. Anh đam mê du lịch và nhiếp ảnh.

Trong khi đa số mọi người đi du lịch để khám phá những vùng đất mới thì với anh, đi là để gặp gỡ và ghi lại khoảnh khắc tự nhiên nhất của những người mà anh đã gặp.

Năm 2007, trong chuyến đi làm nhiệm vụ cho tổ chức phi chính phủ Pháp Enfants du Vietnam, Réhahn đã nảy sinh tình cảm với người dân Việt. Anh bắt đầu dành nhiều thời gian khám phá văn hóa của đất nước chữ S thông qua ống kính máy ảnh.

Năm 2011, Réhahn quyết định từ bỏ cuộc sống bận rộn tại Pháp, chuyển đến sống tại phố cổ Hội An để theo đuổi đam mê chụp ảnh.

Việt Nam dưới ống kính của Rehahn hiện lên bình yên, tươi đẹp và mang đậm bản sắc văn hóa.

Réhahn chụp cùng cụ bà 92 tuổi, người dân tộc H’mong.
Người Rơ Măm – một dân tộc ít người tại tỉnh Kon Tum qua ống kính của Réhahn.
“Tôi gặp A Dip, 76 tuổi, vào năm 2017. Ông ấy thuộc nhóm dân tộc Tơ Đra, theo các chuyên gia, họ là một chi nhánh khác của dân tộc Xơ Đăng, mặc dù truyền thống và phương ngữ của họ là khác nhau. Ông ấy là nghệ nhân duy nhất trong làng vẫn làm những chiếc giỏ tre truyền thống, và những nhạc cụ truyền thống cuối cùng của người Tơ Đra”, anh chia sẻ.
Cụ bà người La Hủ với khuôn mặt phúc hậu và bộ trang phục truyền thống độc đáo.
Cụ bà người dân tộc Dao trong trang phục truyền thống với khăn đội đầu màu đỏ. Những mũi thêu phức tạp cùng chuỗi hạt cườm tinh tế trên trang phục thể hiện được sự tỉ mỉ và nhẫn nại của người phụ nữ.
Cụ bà người Giáy, một trong những nhóm dân tộc thiểu số nhỏ nhất ở Việt Nam. Trang phục của họ rất đặc biệt bởi màu đen đồng nhất. Tuy nhiên, hiện tại rất khó tìm được những bộ trang phục nguyên bản như thế.
Réhahn gặp người Brâu vào tháng 5/2016 và ấn tượng bởi những bông hoa tai to, nặng của họ. Tùy thuộc vào mức thu nhập, họ sử dụng bông tai làm từ ngà voi hoặc gỗ.
Anh cảm thấy rất may mắn khi gặp được người đứng đầu dân tộc Ơ Đu. “Tôi đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, hiện tại Ơ Đu chỉ còn lại 5 bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh”, anh chia sẻ.
Năm 2016, tác phẩm Nụ cười ẩn giấu của anh, được báo Mỹ bình chọn là bức ảnh Bà cụ đẹp nhất thế giới.
Réhahn cho biết anh chọn Việt Nam làm nơi sinh sống lâu dài bởi yêu mến lối sống và sự lạc quan của người dân nơi đây. Anh còn đặc biệt quan tâm đến trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số. Réhahn có một phòng trưng bày nghệ thuật di sản ở Hội An.

Hạ Nguyên

Exit mobile version