Nhật Bản đã từng bước làm sống lại và mở rộng Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (TPP) lên một tầm cao mới.
Các chính trị gia đảng đối lập với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho đến tận bây giờ vẫn không thể hiểu nổi làm thế nào ông Abe có thể đứng dậy sau vụ bê bối chính trị năm 2006 – 2007. Và người ta cũng khó lòng lý giải nổi sự thật rằng ông Abe đã vượt qua hết bê bối này đến bê bối khác để tiếp tục đứng đầu nước Nhật thêm nhiều năm nữa.
Hãng tin Nikkei bình luận rằng có lẽ các đối thủ đã đánh giá thấp ông Shinzo Abe. Và giờ đây là đến lượt Mỹ.
Vào tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (TPP). Từ đó đến nay, ông Trump không ngừng gây sức ép, buộc các nước phải tham gia vào các vòng đàm phán thương mại song phương.
Thay vì từ bỏ, Thủ tướng Nhật Bản đã vươn lên thay Mỹ chèo lái Hiệp định này. Ông Abe đã xây dựng kế hoạch B, kế hoạch C và thậm chí kế hoạch D để có thể ứng phó với chính sách mà Mỹ đang theo đuổi.
Theo kế hoạch B, TPP sẽ được duy trì với 10 nước thành viên. TPP chắc chắn sẽ không thể tồn tại nếu không có sự tham gia của Nhật, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Ban đầu, khi Tổng thống Trump quyết định rút lui, Thủ tướng Abe cho rằng TPP là vô nghĩa. Tuy nhiên, sau đó ông Abe đã thay đổi quan điểm, quyết định rằng kế hoạch khôi phục kinh tế nội địa Nhật Bản có tên Abenomics cần phải được điều chỉnh.
Việc tăng sức cạnh tranh chính là yếu tố mà hệ thống công nghiệp nội địa Nhật Bản cần đến. Và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã ra đời thay thế cho TPP. Vào tuần trước, Australia cùng với Nhật Bản, Mexico và Singapore đã phê chuẩn CPTPP.
Theo kế hoạch C, Nhật Bản ký kết hiệp định thương mại tự do toàn diện với Liên minh châu Âu (EU), bỏ đi nhiều loại thuế từng khiến cho quốc gia này và 28 nước châu Âu thiệt hại đến 1,2 tỷ USD mỗi năm.
Và Thủ tướng Abe đã thành công cả với kế hoạch D, tức là mở rộng CPTPP để tái tạo ra khối kinh tế 19 nghìn tỷ USD. Hàn Quốc, Indonesia, Philippines và Ấn Độ đều có thể trở thành những quốc gia chủ chốt.
Với nỗ lực này, Thủ tướng Abe tiếp tục duy trì một vai trò quan trọng, tiếp sức cho Abenomics và nâng vị thế của nước Nhật lớn hơn trên thị trường thế giới.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hiệp định CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu người với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD. Nếu Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia góp mặt, tổng GDP của khối các nước trong CPTPP sẽ tăng thêm 4.900 tỷ USD.
Thủ tướng Abe giờ đây có thể bắt đầu vận động Hàn Quốc và Indonesia gia nhập CPTPP. Điều vui mừng là tổng thống của cả Hàn Quốc và Indonesia đều rất hào hứng với hiệp định này.
Kiều Ngọc (Tổng hợp)