Đại Kỷ Nguyên

Nhận thẻ nhiều nhất AFF Cup 2018, vì sao Malaysia nhận giải fair-play AFF Cup 2018?

Malaysia bất ngờ được BTC trao giải Fair-play. (Ảnh: tintucvietnam)

Kết thúc AFF Cup 2018, á quân Malaysia đã được Ban tổ chức trao danh hiệu đội chơi Fair-play (chơi đẹp). Điều này khiến nhiều người tỏ ra bức xúc bởi thực tế, các học trò HLV Tan Cheng Hoe đã nhận số thẻ phạt nhiều nhất trong cả giải.

Đêm 15/12, đội tuyển Việt Nam đã lên ngôi vô địch AFF Cup 2018 sau 10 năm chờ đợi khi đá bại Malaysia 1-0 ở trận chung kết lượt về. Đáng chú ý là á quân Malaysia đã được trao tặng giải thưởng Fair-play. Điều này khiến nhiều người vô cùng bức xúc.

Malaysia bất ngờ được BTC trao giải Fair-play. (Ảnh: tintucvietnam)

Theo thống kê, ĐT Malaysia nhận tới 2 thẻ đỏ, 17 thẻ vàng và 124 lỗi tạo ra. Điều này có nghĩa, trung bình một trận đấu họ có đến 0,25 thẻ đỏ, 2,12 thẻ vàng và 15,5 lần khiến các vị vua áo đen phải cắt còi vì mình.

Tổng hợp những phá chơi xấu của ĐT Malaysia với ĐT Việt Nam. (Nguồn: tintucvietnam)

Ở hai lượt trận bán kết với Thái Lan, các học trò HLV Tan Cheng Hoe phải nhận 4 thẻ vàng, trong đó Syahmi Safari nhận thẻ đỏ gián tiếp ở phút bù giờ thứ 4 trong trận lượt về trên sân Rajamangala.

Trong 2 trận chung kết với tuyển Việt Nam, các cầu thủ Malaysia đã chơi quá rát, thậm chí dùng nhiều tiểu xảo với các cầu thủ Việt Nam khiến những Văn Hậu, Đình Trọng, Quang Hải liên tiếp nằm sân. Bên ngoài đường biên thì HLV Park Hang-seo liên tục nổi nóng nhưng các cầu thủ Malaysia vẫn được trọng tài nương tay.

Cụ thể, ở trận chung kết lượt về tối 15/12, trọng tài người Iran Alireza Faghani đã rút ra 13 thẻ vàng, riêng Malaysia nhận 7 thẻ, bao gồm cả 2 thẻ liên tiếp cho trung vệ Shahrul Saad khiến đội bóng này chỉ còn 10 người ở những phút bù giờ cuối cùng. Trước đó, ở trận chung kết lượt đi trên sân nhà, các cầu thủ Malaysia cũng đã phải nhận 5 thẻ vàng.

Các cầu thủ Malaysia đã mất bình tĩnh trước những pha xử lý khôn ngoan của Quang Hải. (Ảnh: Dân Việt)

Theo luật của FIFA, giải Fair-play là dành cho những đội bóng chơi đẹp. Tiêu chí để bình chọn ra giải thưởng này là số thẻ phạt. Vậy lý do nào khiến Malaysia dù nhận nhiều thẻ nhất trong số các đội dự giải vẫn được “tôn vinh” chơi đẹp?

Theo tintucvietnam, giải AFF Cup không là giải đấu chính thức trong hệ thống các giải bóng đá của FIFA. Hay nói cách khác, quốc tế chỉ coi AFF Cup là giải đấu giao hữu. Chính vì vậy, lựa chọn trao giải Fair-play là quyền của BTC giải đấu.

Trao đổi với báo Dân Việt về vấn đề này, Còi vàng Việt Nam 2006 Dương Mạnh Hùng bày tỏ: “Để giải thích chi tiết câu chuyện này thì chúng ta phải là thành viên Ban tổ chức giải. Họ có những tiêu chí cộng điểm fair-play, trong đó số thẻ phạt chỉ là 1 tiêu chí quan trọng”.

Theo Còi vàng Dương Mạnh Hùng, bóng đá nói riêng và thể thao nói chung phải tính đến yếu tố thành tích và khán giả.

“Về thành tích, Malaysia đã lọt tới chung kết, chỉ kém Việt Nam là đội vô địch thôi nên số điểm cộng của họ cũng cao. Về khán giả, cách tổ chức sân bãi, tôi nghĩ Malaysia là số 1 ở giải lần này. Sân Bukit Jalil với hơn 8 vạn cổ động viên luôn được phủ kín khi Malaysia thi đấu và đó là yếu tố quan trọng phải xét đến. Dù gì khán giả cũng là cầu thủ thứ 12”.

Còi vàng Dương Mạnh Hùng cho rằng Malaysia có nhiều điểm cộng về khán giả, thành tích chuyên môn để được nhận giải Fair-play AFF Cup 2018. (Ảnh: Dân Việt)

Về lối chơi, theo Còi vàng Dương Mạnh Hùng, dù Malaysia nhận nhiều thẻ nhưng không thể phủ nhận họ đã thể hiện một tinh thần thi đấu tốt, lối chơi tích cực dựa trên khả năng kiểm soát bóng, tấn công nhiều.

“Malaysia nhận nhiều thẻ phạt nhất giải đương nhiên họ nhận nhiều điểm trừ. Nhưng với những điểm cộng ở trên, cũng có thể lý giải vì sao họ nhận giải fair-play. Tôi ví dụ, nếu đêm 15/12, Việt Nam thua Malaysia thì chúng ta cũng sẽ được trao giải fair-play”, Còi vàng Dương Mạnh Hùng chốt lại.

Khôi Minh (tổng hợp)

Exit mobile version