Đại Kỷ Nguyên

Nhà tái định cư, chung cư mini Hà Nội đều có vấn đề về phòng cháy

Rủi ro tiềm ẩn khi mua chung cư mini. (Ảnh minh họa)

Hà Nội hiện có 160/170 tòa nhà tái định cư vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy khi hệ thống dây dẫn cứu hỏa hỏng, báo cháy không hoạt động… Các chung cư mini ở Thủ đô cũng không an toàn hơn bởi việc phòng cháy có sơ hở ngay từ khâu thủ tục cấp phép xây dựng.

Ngày 4/4, ông Chử Văn Tráng – Phó giám đốc Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà Hà Nội (Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội) cho biết, thành phố có 170 công trình tái định cư đưa vào sử dụng, trong đó 160 công trình là chung cư, theo VnExpress.

Ông Tráng cho hay, các tòa nhà tái định cư trên địa bàn đều được đưa vào sử dụng từ 3-5 năm và đều có những vấn đề về PCCC.

Các vi phạm phổ biến ở 160 chung cư này là: Hệ thống đường ống, dây dẫn cứu hỏa hỏng; bình cứu hỏa di động không đủ áp suất; hệ thống báo cháy không hoạt động…

Toà nhà C khu tái định cư An Sinh, tổ 14 phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm có nhiều tồn tại về PCCC. (Ảnh: VnExpress)

Trước đó, chiều 3/4, ông Hoàng Quốc Định – Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, thành phố đã giải quyết tồn tại ở 79 chung cư chưa nghiệm thu PCCC đã đưa dân vào ở. Hiện số công trình đã giảm xuống còn 29/79 chung cư.

Trong 29 công trình, có 15 công trình không còn khả năng khắc phục được theo tiêu chuẩn PCCC do liên quan đến kết cấu, công năng toà nhà. Về việc thành phố có văn bản đề nghị hạ chuẩn PCCC cho 17 chung cư vi phạm, tướng Định cho hay, đây là những chung cư khó có khả năng khắc phục theo tiêu chuẩn hiện hành, do đó Sở tham mưu thành phố đề nghị cơ quan trung ương cho phép thay thế bằng những giải pháp PCCC khác.

Với 3 công trình CT4 Văn Khê, Công ty Cổ phần Sông Đà làm chủ đầu tư; chung cư CT5 A, B Văn Khê và chung cư CT6 Văn Khê (khu đô thị Văn Khê, của công ty CP Hà Châu OSC làm chủ đầu tư, Sở Cảnh sát PCCC đã tập trung thu thập tài liệu hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra CATP Hà Nội thụ lý.

Theo ông Định cần phải có biện pháp răn đe mạnh đối với chủ đầu tư. “Chỉ cung cấp điện, nước khi công trình được cấp đầy đủ Giấy chứng nhận PCCC trước khi đưa dân vào ở”, ông Định nói. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc PCCC có yếu tố quyết định thành bại trong việc ngăn hỏa hoạn.

Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội thừa nhận, hệ thống quản lý của cơ quan nhà nước với loại hình chung cư mini có sơ hở từ khâu thủ tục cấp phép xây dựng, đến khi đưa vào hoạt động, cho thuê, bán. Chung cư mini giá rẻ và thường được xây dựng tại các quận nên hấp dẫn người mua, song tiềm ẩn nhiều nguy cơ, công tác đảm bảo an toàn PCCC rất hạn chế.

“Với chung cư mini, tôi mong muốn cơ quan truyền thông tuyên tuyền, cảnh báo cho người dân hiểu, tẩy chay, không nên mua, không nên sử dụng”, ông Định khuyến cáo.

Thống kê của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, trong năm 2017 và quý I/2018 toàn thành phố xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ; trong đó có 31 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 7 vụ cháy lớn làm 24 người chết, 18 người bị thương, tài sản thiệt ước tính 617 tỷ đồng và 6,3 ha rừng.

Số vụ cháy giảm 94 vụ so với cùng kỳ nhưng thiệt hại về người vẫn bằng năm trước, tài sản thiệt hại tăng hơn 125 tỷ đồng.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho rằng, tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có dấu hiệu gia tăng. Nguyên nhân cháy nổ do sự cố điện chiếm 64,1%. Các vụ cháy do hàn cắt kim loại đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.

“Nội thành là địa bàn xảy ra cháy nhiều, chiếm hơn 67%, các huyện ngoại thành hơn 23%. Các vụ cháy chủ yếu xảy ra ở các doanh nghiệp tư nhân và dân dân chiếm 95%. Số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng chỉ chiếm 2-3% nhưng thiệt hại chiếm khoảng 90%”, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết.

Theo ông Định, nhà chung cư cao tầng, liền kề phát triển, thiết chế quản lý chưa rõ ràng, nhà đầu tư chưa quan tâm đến trang thiết bị PCCC dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Thế Tam

Exit mobile version