Đại Kỷ Nguyên

Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn ra mắt lô sản phẩm đầu tiên sau 10 năm: Xăng Ron 92

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn – nhà máy thứ hai của Việt Nam, vừa xuất xưởng thành công lô sản phẩm thương mại đầu tiên vào chiều ngày 1/5/2018 sau 10 năm triển khai.  

Sản phẩm thương mại đầu tiên được Nhà máy Nghi Sơn cho ra mắt là xăng RON 92, đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn kỹ thuật và xuất bán phục vụ nhu cầu tại thị trường Việt Nam, theo trang tin Vietnamnet.

Ông Turki Alajmi – Tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cho biết đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với dự án có tổng mức đầu tư gần 9,3 tỷ USD này, cũng như đối với vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam.

Cũng theo ông Alajmi, nhà máy Nghi Sơn có công suất giai đoạn I là 200.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm, cao gấp gần 2 lần công suất của Nhà máy Dung Quất – nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam.

Nhà máy Nghi Sơn có công suất giai đoạn I là 200.000 thùng dầu/ngày. (Ảnh: VOV)

Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn được xây dựng tại Khu kinh tế Nghi Sơn – tỉnh Thanh Hóa. Đây là dự án có quy mô lớn nhất Việt Nam, do 4 nhà đầu tư gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) cùng với Idemitsu Kosan (Nhật Bản), Kuwait Petroleum Europe (Kuwait) và Công ty hóa chất Mitsui (Nhật Bản) hợp tác đầu tư.

Nhà máy Nghi Sơn sẽ chế biến dầu thô để sản xuất ra khí hóa lỏng, xăng, dầu diesel, dầu hỏa và nhiên liệu máy bay, chủ yếu cho thị trường nội địa. Khi chính thức vận hành thương mại và chạy tối đa công suất thiết kế, sản phẩm của nhà máy sẽ đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu trong nước.

Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn được triển khai từ năm 2008, khởi công từ tháng 7/2013 và đến tận ngày 28/2/2018 mới chính thức chạy thử đồng bộ.

Hiện Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, trong khi phần lớn nguồn cung phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu từ các nước Malaysia, Singapore và Hàn Quốc.

Ngay cả khi Nhà máy Nghi Sơn và dự án mở rộng của Nhà máy Dung Quất đi vào hoạt động, tổng công suất của Việt Nam mới tăng lên 392 nghìn thùng/ngày, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu được dự báo sẽ đạt 885 nghìn thùng/ngày vào năm 2035, theo Wood Mackenzie.

Do vậy, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục nhập khẩu khoảng 30% nhu cầu xăng dầu trong giai đoạn 2019-2021 và tăng lên 33-42% trong giai đoạn 2022-2025.

Năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu hơn 12,8 triệu tấn xăng dầu các loại, tăng 10% so với năm 2016, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Minh Tuệ 

Exit mobile version