Đại Kỷ Nguyên

Nhà hát huyện hơn 100 tỷ đồng ở Hà Nội không được sử dụng

Nhà hát huyện Đan Phượng (Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội 20 km. (Ảnh: VnExpress)

Nhà hát Đan Phượng là thiết chế văn hóa cấp huyện lớn nhất Hà Nội với số vốn đầu tư hơn 117 tỷ đồng đã hoàn thành nhưng chưa thể hoạt động.

VnExpress cho biết, nhà hát huyện Đan Phượng được xây dựng trên mảnh đất 10.500 m2, tổng số vốn đầu tư 117,4 tỷ đồng từ ngân sách huyện. Công trình có diện tích mặt sàn 7.100 m2 gồm một khán phòng 700 chỗ ngồi cùng 20 phòng chức năng, là thiết chế văn hóa cấp huyện lớn nhất Hà Nội.

Tuy nhiên theo VTC News, sau khi hoàn thành phần xây lắp từ năm 2014, nhận bàn giao vào năm 2016, đến nay nhà hát chưa một lần hoạt động đúng với công năng thiết kế.

Bên ngoài nhà hát nhiều hạng mục đã bị cỏ dại xâm lấn. (Ảnh: VTC News)
Phần cửa chính dẫn vào bên trong nhà hát lúc nào cũng trong tình trạng khóa trái. (Ảnh: VnExpress)
Bên trong nhà hát, sân khấu lát sàn bằng gỗ tự nhiên phủ bụi, khu vực khán giả là bậc thang trống trơn, chưa lắp ghế. (Ảnh: Người Lao Động)

Báo Người Lao Động thông tin, theo dự kiến của huyện Đan Phượng khi bắt đầu xây dựng, nhà hát sẽ đi vào hoạt động từ năm 2014. Nhưng với lý do không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, từ đó đến nay, nhà hát này vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động.

Theo Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, nhà hát huyện Đan Phượng không có hệ thống chữa cháy tự động, họng nước cứu hóa bố trí chưa hợp lý. Bể nước cứu hỏa của tòa nhà chỉ 70 m3, trong khi quy định phải 400 m3

Ông Nguyễn Viết Thái – Phụ trách Ban quản lý dự án huyện Đan Phượng cho rằng, khi lập dự án xây dựng nhà hát chưa có Luật Phòng cháy chữa cháy sửa đổi 2013. Sau khi thẩm định, dự án cần bổ sung một số hạng mục đảm bảo phòng cháy chữa cháy theo quy định. Khi nào tiếp tục bổ sung thì ông Thái chưa rõ.

Bà Đào Thị Hồng – Phó chủ tịch huyện Đan Phượng cho biết, việc đầu tư hoàn thiện phòng cháy chữa cháy nhà hát sẽ được trình HĐND huyện Đan Phượng thông qua vào tháng 6/2019. Huyện đồng thời đang điều chỉnh công năng nhà hát.

Theo bà Hồng, thực chất công trình được coi như trung tâm văn hóa đa chức năng chứ không phải nhà hát. Ngoài mục đích tổ chức biểu diễn ca nhạc, đây sẽ là trung tâm văn hóa đa chức năng, tổ chức hội nghị, sinh hoạt văn hóa của người dân.

Đánh giá về việc có ý kiến cho rằng việc xây nhà hát rồi đóng cửa như vậy là lãng phí, bà Hồng khẳng định, khi nhà hát chính thức hoạt động, huyện sẽ đưa các thiết chế văn hóa khác vào, tổ chức quản lý sao cho đạt hiệu quả nhất.

Còn ông Nguyễn Văn Vĩnh – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện cho biết, thời gian vừa qua có hai ông bầu show đến hỏi thuê sân khấu để biểu diễn ca nhạc, nhưng ông phải từ chối hết. Người dân Đan Phượng giờ kinh tế khá giả hơn trước nhiều, nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật cũng cao. Ông Vĩnh tin rằng khi hoạt động chính thức, nhà hát sẽ đem lại hiệu quả tốt.

Kính mời quý độc giả cùng xem một số hình ảnh về nhà hát do Đại Kỷ Nguyên tổng hợp từ báo Người Lao Động:

Hoàng Minh (Tổng hợp)

Exit mobile version