Đại Kỷ Nguyên

Tại sao người trồng vải Bắc Giang tha thiết kêu gọi đừng… giải cứu?

Trong khi mạng xã hội xuất hiện thông tin cho rằng việc tiêu thụ vải thiều của người dân gặp nhiều khó khăn và quả vải sẽ là nông sản tiếp theo phải giải cứu, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. 

Một người trồng vải tại Bắc Giang có tài khoản Facebook tên viết tắt là M.L.H ngày 30/5 đã đăng tải một bài viết nhấn mạnh người trồng vải tha thiết kêu gọi cộng đồng đừng giải cứu quả vải.

Nội dung lời kêu gọi không giải cứu vải thiều Bắc Giang gây xôn xao cư dân mạng. (Ảnh: Facebook)

Trong nội dung kêu gọi, ML.H cho rằng vải Lục Ngạn có độ ngon cao nhất nhờ đất đai nơi đây màu mỡ, điều kiện thời tiết thuận lợi, cùng với đó là kỹ thuật chăm sóc tiên tiến nhất. Ngoài ra, vải Lục Ngạn còn được các nhà bảo vệ thực vật thường xuyên quan tâm tới sự phát triển qua từng giai đoạn, và “quả vải giống như máu thịt của dân Lục Ngạn”.

Tài khoản Facebook này cho rằng các huyện lân cận như Lục Nam, Sơn Động chất lượng cũng không bằng và giá thành thấp hơn rất nhiều.

Tài khoản ML.H cho biết quả vải còn nhỏ được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật do Việt Nam sản xuất khi bị sâu bệnh, nhưng tới khi quả bắt đầu lớn thì hoàn toàn không phun thuốc. Vải ở Lục Ngạn chủ yếu được xuất khẩu (tới 95%), còn chỉ có 5% còn lại là sấy khô.

Với lý do này, ML.H cho rằng không cần ai phải kêu gọi giải cứu. Ngoài ra, thực tế là hiện nay vải thiều chưa vào chính vụ, quả vẫn còn xanh, phải hơn tuần nữa mới chín.

Nhân vật này cho rằng loại vải mà mọi người kêu gọi giải cứu là vải u lai, u hồng Yên Thế (cũng thuộc địa bàn Bắc Giang), chứ không phải vải thiều.

Bài viết kêu gọi đừng giải cứu quả vải Bắc Giang nhanh chóng khiến cư dân mạng dậy sóng với rất nhiều lượt Like và chia sẻ. Hầu hết các ý kiến bình luận đều đồng ý với quan điểm của chủ tài khoản Facebook M.L.H.

“Vải Lục Ngạn, Bắc Giang, không phải muốn ăn là mua được đâu, các bạn bớt nổ để dân mình có nguồn hàng xuất khẩu đảm bảo nhé! Miếng cơm manh áo của người nông dân đó!”, một người dùng Facebook bình luận.

Nhiều người chia sẻ lời kêu gọi không giải cứu vải Bắc Giang.

Trước đó, dư luận đã xôn xao trước thông tin vải thiều Bắc Giang giá xuống thấp kỷ lục còn 10.000 đồng/3kg cũng không có người mua, phải đổ cho dê ăn. Tuy nhiên, kết quả khảo sát thực tế cho thấy những thông tin này hoàn toàn là bịa đặt.

Chia sẻ trên Dân Việt, ông Đinh Đức Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, cho biết hiện việc mua bán vải sớm của người dân diễn ra rất thuận lợi, giá tuy có thấp hơn năm trước nhưng không có giá dưới 7.000 đồng/kg, hoặc 10.000 đồng/3kg như thông tin trên mạng xã hội. Thậm chí, vải đẹp, chất lượng và trồng theo quy trình VietGAP vẫn được giá với mức 20.000-25.000 đồng/kg.

Giá vải sớm ở Bắc Giang năm nay tuy có thấp hơn năm trước nhưng không có chuyện giá bán dưới 7.000 đồng/kg. (Ảnh: Dân Việt)

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Sở Công Thương cho biết đến nay một số giống vải sớm như u hồng, ủ trứng trồng tại Lục Ngạn, Tân Yên và một số huyện lân cận như Lục Nam, Lạng Giang đã cho thu hoạch rộ nên vải sớm giá giảm dần. Tuy nhiên, vải loại đẹp vẫn có giá hơn 20.000 đồng/kg.

Sở Công Thương đang phối hợp tích cực thu hút doanh nghiệp về thu mua, đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị chuyên môn kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý, không để xảy ra tình trạng thông đồng ép giá trong thu mua vải thiều.

Nguyễn Trang

Exit mobile version