Đại Kỷ Nguyên

Người tiêu dùng Việt sắp được thỏa mãn cơn khát Amazon

Tập đoàn Amazon đang lên kế hoạch đổ bộ vào Việt Nam. (Ảnh: onghoangamazon.com)

Những tín đồ mua sắm online tại Việt Nam sắp được thỏa mãn cơn khát khi Amazon – công ty thương mại điện tử đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ, đang lên kế hoạch tiến vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Việt Nam, cho biết trong cuộc họp gần đây giữa Hiệp hội và đại diện của Amazon, công ty này đang tiến tới phát triển thị trường thương mại điện tử mở rộng đến khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Amazon chính thức đổ bộ vào thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. (Ảnh: wired.com)

Chiến lược của Amazon tại thị trường Việt Nam gồm 2 bước: nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam và xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài. Đồng thời, Amazon còn bày tỏ mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam xuất khẩu trên Amazon.

Thương mại điện tử là một lĩnh vực mới ở Việt Nam – nơi có dân số trẻ và nền kinh tế đang phát triển, do đó có tiềm năng rất lớn. Theo Bộ Công thương, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử mỗi năm của Việt Nam là 35%. Tăng trưởng trong lĩnh vực bán lẻ vào khoảng 20% vào giai đoạn 2016-2020, và đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020.

Theo thống kê từ Fado.vn, trong 3 năm (2014-2016), Fado hỗ trợ cho khách hàng Việt Nam mua trực tuyến khoảng 80 triệu sản phẩm trên Amazon, chủ yếu là quần áo, sản phẩm điện tử và các sản phẩm dành cho mẹ và bé. Trong khi đó, chỉ khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với chừng 100 sản phẩm, chủ yếu là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ hủy đơn hàng trong thương mại điện tử ở Việt Nam là khoảng 33%, tương đối cao so với nhiều nước phát triển với lý do chủ yếu là do cảm giác của người tiêu dùng thay đổi.

Với sự thâm nhập của Amazon và các công ty bán hàng trực tuyến khác từ nước ngoài, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới. Đồng thời, thói quen mua sắm và chuỗi cung ứng hàng hóa ở Việt Nam có thể thay đổi đáng kể, bởi người tiêu dùng sẽ tiến tới mua sắm trực tuyến nhiều hơn thay vì trực tiếp lựa chọn hàng hóa tại cửa hàng.

Quang Minh (th)

Exit mobile version