Đại Kỷ Nguyên

Người dân TP.HCM sẽ được lợi gì khi áp dụng chính sách đặc thù?

Quốc hội đã thông qua nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

TP.HCM là đầu tàu kinh tế của Việt Nam. Để sớm biến TP.HCM trở thành đô thị thông minh ngang tầm khu vực, mới đây Quốc hội đã thông qua nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố này.

Ngày 26/11, lãnh đạo TP.HCM đã chủ trì hội nghị công bố đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” với mục tiêu đảm bảo kinh tế thành phố phát triển bền vững; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; giải quyết các vấn đề bức xúc của thành phố như ngập nước, kẹt xe, quá tải bệnh viện, an toàn thực phẩm.

Đề án này xác định 4 mục tiêu tổng quát chính là: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; Quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; Nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; Tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.

Có thể nói, để xây dựng đô thị thông minh, TP.HCM cần ứng dụng triệt để công nghệ thông tin không chỉ với bộ máy hành chính để nâng cao công tác quản lý, điều hành, mà còn đối với tất cả mọi lĩnh vực đời sống, xã hội liên quan trực tiếp người dân, doanh nghiệp. Các tiện ích tạo ra sẽ giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong cuộc sống, tương tác với cơ quan nhà nước.

Khi TP.HCM trở thành đô thị thông minh, người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ các lĩnh vực trong cuộc sống. Chẳng hạn, người dân chỉ cần dùng thiết bị điện tử cầm tay như điện thoại hay máy tính bảng là có thể dễ dàng lựa chọn dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, biết được khu vực nào kẹt xe, ngập nước để chủ động về mặt thời gian, có lựa chọn hướng đi phù hợp.

Người dân cũng có thể sử dụng vé điện tử liên thông hệ thống giao thông công cộng, kiểm soát truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Tương tự, với việc khám-chữa bệnh ở các bệnh viện công sẽ được đăng ký giờ khám, dịch vụ, lựa chọn bác sĩ qua mạng, thay vì phải đến xếp hàng mất nhiều thời gian như hiện nay. Với hồ sơ bệnh án điện tử, bệnh nhân chỉ cần cầm một cái thẻ có mã vạch và khi kiểm tra mã vạch thì bác sĩ có thể biết được thông tin bệnh án của bệnh nhân.

Với các lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính, xin giấy phép xây dựng, đăng ký kinh doanh, việc liên thông điện tử trong đô thị thông minh sẽ giúp người dân, doanh nghiệp có thể ở nhà nộp hồ sơ, thanh toán chi phí thủ tục qua mạng, rồi nhận kết quả thông qua bưu điện. Mỗi một sở ngành là đầu mối tiếp nhận dịch vụ công nào thì phải chủ động liên thông với các sở ngành, đơn vị khác có liên quan để giải quyết, đồng thời trả kết quả cuối cùng, không để người dân, doanh nghiệp phải lo vác hồ sơ chạy lòng vòng.

Một lãnh đạo TP.HCM cho biết, sau hơn 1 năm chuẩn bị, đến nay đề án chính thức thực hiện, đầu tiên sẽ thí điểm tại Quận 1 và Quận 12. Đề án hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn cho người dân.

Quang Minh (th)

Exit mobile version