Đại Kỷ Nguyên

Người dân Thủ Thiêm nói gì sau buổi đối thoại với Ban tiếp công dân?

Sau gần 2 giờ làm việc, 7 đại diện cư dân Thủ Thiêm kết thúc buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố và Ban tiếp công dân Trung ương, họ nói muốn cùng TP.HCM gỡ rối.

Vào 8h30 sáng 8/6, Thường trực UBND TP.HCM và Trưởng ban tiếp công dân Trung ương có buổi làm việc với 7 đại diện cư dân Thủ Thiêm về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, theo Zing.

Người dân Thủ Thiêm mong cùng chính quyền TP.HCM gỡ rối

Bên trong phòng họp, ông Lê Văn Lung, một trong 7 người dân có mặt tại buổi làm việc, đề nghị, trước khi báo cáo Thủ tướng, đoàn thanh tra phải tiếp xúc với người dân để nhận các tài liệu chứng cứ, nội dung bà con tố cáo để Thủ tướng giải quyết rõ ràng, đúng pháp luật.

Ông Lê Văn Lung phát biểu tại buổi đối thoại với Ban tiếp công dân. (Ảnh: VnExpress)

“Nếu Chính phủ, UBND thành phố có thiện chí giải quyết tố cáo này cho rốt ráo triệt để thì chúng tôi sẽ hợp tác cùng lãnh đạo mới của UBND thành phố vì việc sai trái này nằm ở nhiệm kỳ trước”, ông Lung nói.

Buổi làm việc giữa một số người dân Thủ Thiêm với lãnh đạo Ban tiếp công dân Trung ương và TP HCM. (Ảnh: VnExpress)

Khu đô thị Thủ Thiêm rộng 657 ha, tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1 (cách 300 m đường chim bay), được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á. Đây là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP HCM, có các chức năng về tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí…

Hiện, dự án đã giải phóng hơn 99% mặt bằng. Còn hơn 100 hộ dân khiếu nại vì cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch theo quyết định của thủ tướng năm 1996 nhưng vẫn bị giải tỏa, theo VnExpress.

Trưởng ban tiếp công dân – ông Nguyễn Hồng Điệp (phải). (Ảnh: Zing)
7 đại diện cư dân làm việc với Ban tiếp dân hôm nay. (Ảnh: Zing)

Bên trong hội trường, những người dân được tham gia buổi gặp gỡ, đối thoại đề xuất với lãnh đạo TP.HCM 3 yêu cầu cụ thể:

  1. Trả lại nhà đất cho người dân bị thu hồi chưa đúng, không đúng hoặc hoán đổi về khu nhà đất 4,3 ha tại đường Trần Não thuộc khu phố 1, phường Bình An. Việc đền bù những thiệt hại cho dân phải thực hiện trong thời gian sớm nhất, để ổn định cuộc sống.
  2. Đề nghị Thủ tướng thành lập đoàn Thanh tra giám sát liên ngành để thanh tra toàn diện những sai phạm tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
  3. Đề nghị ông Nguyễn Hồng Điệp – Trưởng ban tiếp công dân Trung ương, báo cáo và đề xuất với lãnh đạo thanh tra, chỉ đạo đoàn thanh tra tiếp tục làm việc chính thức với các hộ dân.

Thủ tướng đã yêu cầu giải quyết và có mốc thời gian báo cáo vụ việc

Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ghi nhận 2 đề xuất của người dân. Đó là việc thành lập đoàn Thanh tra liên ngành, thanh tra toàn diện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm và hoán đổi về khu nhà đất 4,3 ha tại đường Trần Não thuộc khu phố 1, phường Bình An, đền bù những thiệt hại cho dân, theo Zing.

Ông Nguyễn Hồng Điệp – Trưởng ban Tiếp công dân trung ương, thông tin với người dân cần xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để giải quyết vấn đề ở Thủ Thiêm. Bởi có những hồ sơ, quyết định đã xảy ra từ 20 năm trước.

Ông Điệp cũng chia sẻ với người dân những khó khăn, bức xúc suốt thời gian qua. Riêng vấn đề liên quan quy định pháp luật thì đoàn Thanh tra sẽ làm rõ.

Về việc chỉ có 7 hộ dân được tham gia gặp gỡ trực tiếp, ông Điệp cho biết do sự việc kéo dài quá lâu khiến nhiều người dân bức xúc. Do đó, nếu gặp gỡ bà con đông sẽ có những lời lẽ thiếu kiềm chế, gây khó khăn cho việc đối thoại.

Kết thúc buổi tiếp công dân, ông Nguyễn Hồng Điệp cho biết: “Thủ tướng đã yêu cầu cơ quan chức năng thực hiện kết luận chỉ đạo 2 công văn trước đây. Bà con cũng thấy là Thủ tướng rất muốn giải quyết sớm cho bà con. Vừa qua Thủ tướng lại nghe, lại yêu cầu tiếp tục giải quyết và có mốc thời gian báo cáo vụ việc”.

Bà Lê Thị The, ông Lê Văn Lung cùng 5 người dân được dự buổi đối thoại bày tỏ niềm hy vọng vào sự chia sẻ và lời hứa của lãnh đạo TP.HCM cùng Ban tiếp công dân Trung ương.

Bà Lê Thị The chia sẻ với giới truyền thông trong nước. (Ảnh: Zing)

“Chúng tôi muốn san sẻ, cùng lãnh đạo mới của TP.HCM sửa sai. Bởi những sai phạm chúng tôi chỉ ra là thuộc về những cán bộ thời kỳ trước. Lần này, chúng tôi có niềm tin vào những gì ông Điệp chia sẻ”, bà The nói.

Ông Lung nhấn mạnh lại đề xuất của bà con Thủ Thiêm trong cuộc gặp: “Nếu Chính phủ, UBND TP.HCM có thiện chí khắc phục hậu quả thì giải quyết cho người dân theo hướng phục hồi, trả lại nhà đất… hoặc hoán đổi khu 4,3 ha đất tại đường Trần Não thuộc khu phố 1, phường Bình An. Đền bù tài sản vật chất trên đất và những thiệt hại liên quan thỏa đáng cho người dân trong thời gian sớm nhất, để chúng tôi tái lập nhà ở, sớm ổn định cuộc sống”.

Trước đó, một văn bản phản ánh ý kiến của cử tri thành phố Hồ Chí Minh liên quan dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa được gửi đến Quốc Hội Việt Nam.

Cụ thể, vào ngày 29 tháng 5, cho biết Đoàn đại biểu Quốc Hội Thành phố Hồ Chí Minh trao văn bản vừa nêu đến Ban Dân Nguyện của Quốc Hội với nội dung có 4 nhóm vấn đề, mà cử tri của thành phố đề nghị, bao gồm:

  1. Tổ chức thanh tra Đoàn Thanh tra liên ngành của Trung ương và thanh tra toàn diện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm
  2. Làm rõ các vấn đề liên quan cơ sở pháp lý để thành phố thực hiện quy hoạch, thu hồi nhà đất trong quá trình tiến hành dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm
  3. Xem xét giá cả bồi thường cho người dân trong diện tích quy hoạch của dự án, và giải quyết rốt ráo công tác tái định cư chưa đảm bảo
  4. Làm rõ việc 4 con đường chưa đầy 12 km trong dự án được xây dựng với kinh phí 12 ngàn tỉ đồng, cũng như có xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện dự án hay không.

Giá trị bồi thường cho người dân quá thấp

Cử tri cho rằng các chính sách đền bù, giải tỏa tái định cư còn nhiều bất cập, giá bồi thường cho người dân quá thấp.

Có cử tri dẫn chứng chỉ được đền bù 18 triệu đồng/m2 đất nhưng khi liên hệ với một doanh nghiệp bất động sản để hỏi giá đất dự án nhà ở Thủ Thiêm thì được báo giá 350 triệu đồng/m2.

Có cứ tri phản ánh khi giải tỏa chỉ được nhận đền bù 94 triệu đồng, được tái định cư nhưng phải đóng thêm 800 triệu mới được mua một căn chung cư tái định cư, người dân không đủ tiền mua nên rất khó khăn.

Đề nghị phải xem lại đơn giá bồi thường cho những người dân bị ảnh hưởng.

Cử tri cũng phản ánh thông tin và đề nghị làm rõ việc 4 con đường chưa đầy 12km trong khu đô thị giá 12.000 tỉ đồng, thanh toán bằng quỹ đất có giá trị rất lớn.

Mạnh Tiến (TH)

Exit mobile version