Đại Kỷ Nguyên

Ngừng xuất khẩu dầu mỏ, Lybia thiệt hại hàng chục triệu USD mỗi ngày

Lybia mất 67,4 triệu USD mỗi ngày vì ngừng xuất khẩu dầu mỏ. (Ảnh: Frayer)

Ngừng các hoạt động khai thác dầu mỏ tại khu vực bị phong tỏa bởi quân đội miền Đông, kinh tế Lybia thiệt hại hàng chục triệu USD mỗi ngày.
 

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC), một đơn vị thuộc chính phủ đoàn kết do Liên Hợp quốc hậu thuẫn, cho biết việc ngừng sản xuất và xuất khẩu dầu khí tại khu vực Lưỡi liềm dầu mỏ trong thời gian gần đây do ảnh hưởng từ các hoạt động cản trở, phong tỏa của quân đội miền Đông (LNA) đã khiến NOC thiệt hại khoảng 67,4 triệu USD mỗi ngày.

Trong một thông báo ngày 1/7, NOC cho biết các công ty liên kết với NOC (cả trong và ngoài nước), nền kinh tế và người dân Libya cũng sẽ phải gánh chịu những hậu quả to lớn về ngắn hạn cũng như dài hạn do tình trạng bất khả kháng này.

NOC khẳng định tập đoàn này là đơn vị duy nhất tại Libya chịu trách nhiệm thăm dò, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ được Liên Hợp quốc và quốc tế công nhận.

Lãnh đạo NOC đã kêu gọi LNA chấm dứt các hoạt động phong tỏa và tạo điều kiện để NOC hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế cũng như giảm thiểu các thiệt hại đối với nền kinh tế quốc gia.

Quân đội miền Đông Libya do Tướng Khalifa Haftar đứng đầu gần đây đã đánh bại các nhóm nổi dậy, chiếm đóng khu vực Lưỡi liềm và nắm quyền kiểm soát khu vực này.

Khu vực Lưỡi liềm được coi là vùng khai thác dầu mỏ chính, quan trọng của Libya khi tập trung các cảng dầu lớn nhất của cả nước, nằm cách thủ đô Tripoli khoảng 500km về phía Đông.

Vài ngày trước đây, LNA đã giao quyền quản lý các giếng dầu quan trọng thuộc khu vực Lưỡi liềm này cho một công ty của chính phủ lâm thời miền Đông thay vì chính phủ đoàn kết do Liên Hợp quốc hậu thuẫn.

Quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ này đã rơi vào tình trạng bất ổn an ninh và hỗn loạn kể từ khi cuộc nổi dậy 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammer Gaddafi.

Mặc dù một thỏa thuận hòa bình đã được ký kết giữa các đảng phái chính trị tại Libya vào năm 2015, dưới sự bảo trợ của Liên Hợp quốc, song quốc gia Bắc Phi này vẫn bị chia rẽ sâu sắc về mặt chính trị giữa chính phủ miền Đông và miền Tây. Cả hai bên đang cạnh tranh về tính hợp pháp.

Kiều Ngọc

Exit mobile version