Đại Kỷ Nguyên

Nghị lực kiên cường của nữ thủ khoa người dân tộc Tày

Cô gái dân tộc Tày mong muốn trở thành một cử nhân ngành Công tác xã hội hỗ trợ để giúp đỡ những mảnh đời, gia đình khó khăn ở quê hương. (Ảnh: Lao Động)

Trong túi vỏn vẹn 1,5 triệu đồng – số tiền công làm thuê ứng trước của bố, Vi Thị Lệ xuống Thái Nguyên nhập học, bắt đầu hành trình chinh phục ước mơ… 

Sinh ra trong gia đình nghèo khó tại vùng núi rừng Ba Bể (Bắc Kạn) từ những năm đầu cấp ba, Vi Thị Lệ đã phải đi ở trọ gần trường để theo học và làm thêm trang trải cuộc sống.

Lệ tâm sự với Báo Lao Động, ngoài thời gian học em làm thêm tại quán ăn với công việc dọn rửa, bưng bê… Khó khăn không phải rào cản Lệ đến với con chữ hay làm mai một đi ý chí học tập của cô gái nhỏ. Em học đều các môn, thậm chí điểm số Ngoại ngữ khá tốt, điều rất hiếm gặp ở học sinh miền núi.

Biết con đỗ đại học mà nhà chẳng có tài sản giá trị, bố phải xin ứng trước tiền làm thuê cả tháng, vừa đủ để đóng phí nhập học cho con. Lệ kể khi biết điểm em rất vui nhưng cũng đắn đo với việc có nên học đại học không bởi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Bố mẹ chỉ làm nông, thu nhập hạn chế.

“Ban đầu em định không theo học nhưng thầy cô, bạn bè đã khuyên em rất nhiều. Hơn nữa, thầy cũng muốn em đăng ký trường tốt hơn nhưng trường ở Thái Nguyên gần nhà, đi lại và chi phí sinh hoạt sẽ tiết kiệm hơn. Vì thế em quyết định nhập học ở trường. Em nghĩ học ở đâu thì cũng cần nỗ lực của cá nhân là chính”.

Lệ đạt 25,5 điểm tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí) trong kỳ thi thi THPT quốc gia. (Ảnh: Lao Động)

Bên cạnh thành tích học tập ấn tượng, thầy cô bùi ngùi xúc động trước những chia sẻ của Lệ, đặc biệt là lý tưởng mong muốn trở thành nhân viên ngành Công tác xã hội để có thể giúp đỡ những mảnh đời, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở quê hương. Chính vì thế, trường Đại học Khoa học Thái Nguyên đã trao cho em học bổng toàn phần trị giá 30 triệu đồng, miễn 100 % tiền ký túc xá, đồng thời tìm việc làm thêm, giúp em có tiền trang trải cuộc sống.

“Em không nghĩ mình có thể giành được học bổng và được sự giúp đỡ của các thầy cô. Đây là món quà có ý nghĩa vô cùng lớn cả về vật chất và tinh thần đối với em, là động lực để em tiếp tục nỗ lực phấn đấu trong học tập”, Lệ nghẹn ngào.

Không riêng trường hợp của Lệ, ở đâu đó trên dải đất hình chữ S còn nhiều học sinh khao khát được đặt chân tới cổng trường đại học song bị khó khăn, gánh nặng cơm áo ghì kéo. Đơn cử như Hà Thị Nhung (người Mường, Thanh Hóa) – thủ khoa ngành Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục. Biết tin đỗ thủ khoa nhưng Nhung lại chẳng dám vui. Nhà nghèo quá, em từ bỏ ước mơ còn đàng dang dở, đi làm công nhân kiếm tiền phụ giúp cha mẹ.

Hà Thị Nhung – Thủ khoa ngành Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục. (Ảnh: Người Đưa Tin)

Cô giáo cấp 3 của Nhung chính là người kêu gọi mạnh thường quân, thuyết phục bố mẹ cho Nhung học tiếp. “Nhờ cô giáo và mọi người, em được đi học rồi!” là câu nói của Nhung khi nhận được số tiền học phí 4 năm từ nhà hảo tâm. Đôi khi nhờ những con người xa lạ, bằng một cách thức nào đó đã chắp cánh cho những số phận kém may mắn.

Dù đoạn đường phía trước còn dài và lắm gian nan nhưng sau cơn mưa trời lại sáng, mọi chuyện rồi cũng sẽ qua, chỉ cần các em giữ được ý chí, đủ nghị lực kiên cường để chinh phục khó khăn.

Huyền Hương

Exit mobile version