Đại Kỷ Nguyên

Ngành dầu mỏ cần đầu tư 11 nghìn tỷ USD để đáp ứng nhu cầu thế giới đến năm 2040

Ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu cần bỏ ra khoảng 11 nghìn tỷ USD trong 2 thập kỷ tới để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu ngày càng tăng của thế giới, theo CNBC.  

Theo dự báo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ tăng 7,3 triệu thùng/ngày lên 104,5 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Đến năm 2040, thế giới sẽ tiêu thụ gần 112 triệu thùng/ngày.

Sự bùng nổ của phương tiện đi lại tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ cũng là một yếu tố đưa nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng mạnh.

OPEC ước tính, đến năm 2040, lượng xe trên toàn cầu sẽ đạt con số 2,4 tỷ chiếc, tăng gấp đôi so với thời điểm hiện tại.

Nhu cầu sử dụng dầu của toàn cầu sẽ tăng mạnh trong hai thập kỷ tới. (Ảnh: Reuters)

OPEC cảnh báo các nhà sản xuất không nên quá tự mãn về đầu tư cho lượng khí đốt cho tương lai nếu không muốn lịch sử khủng hoảng giá dầu năm 2015 lặp lại.

“Trong khi các khoản đầu tư năm 2017 tăng nhẹ so với 2 năm trước và năm 2018 được kỳ vọng cũng ở mức cao hơn, điều chúng tôi muốn là phải đảm bảo đầu tư kịp thời và đầy đủ để tránh tình trạng thiếu nguồn cung trong lương lai”, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo nói.

Báo cáo triển vọng thường niên của OPEC dự tính ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu cần đầu tư 11 nghìn tỷ USD từ nay đến năm 2040 nếu muốn đáp ứng đủ sự “thèm khát” của thế giới.

Cũng theo OPEC, Mỹ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu dầu khí ngày càng mạnh trong thập kỷ tới.

Sản lượng dầu thô và các loại nhiên liệu khác của Mỹ được cho sẽ tăng lên 20,2 triệu thùng/ngày vào năm 2025, từ mức 14,4 triệu thùng/ngày trong năm 2017. Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ các mỏ đá phiến của Mỹ, nơi sử dụng công nghệ khoan tiên tiến để giải phóng dầu và khí đốt.

Tuy nhiên, OPEC cho rằng sản lượng của Mỹ sẽ đứng đầu trong nửa sau của những năm 2020 và cuối cùng giảm xuống khoảng 17 triệu thùng/ngày vào năm 2040.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ từ Mỹ, Brazil, Canada và Kazakhstan trong những năm tới sẽ khiến OPEC không thể “chen chân” vào việc tăng sản lượng đưa ra thị trường.

Trong khi đó, nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới hiện nay là Nga sẽ vẫn duy trì sản lượng ở mức 11,2 triệu thùng/ngày đến năm 2023.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)

Exit mobile version