Đại Kỷ Nguyên

Mỹ chi 4,7 tỷ USD cho nông dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại

3,6 tỷ USD là con số nông dân trồng đậu tương Mỹ sẽ được hỗ trợ. (Ảnh: Reuters)

Khoảng 3,6 tỷ USD trong khoản viện trợ trên sẽ được chi trả cho nông dân trồng đậu tương của Mỹ, theo nhật báo Nikkei.

Bộ Nông nghiệp Mỹ ngày 27/8 cho biết nước này sẽ tung ra gói hỗ trợ nông nghiệp, trong đó có việc thanh toán trực tiếp 4,7 tỷ USD cho người nông dân để giúp bù đắp những thiệt hại do Trung Quốc trả đũa thương mại đối với hàng xuất khẩu của Mỹ trong mùa vụ này.

Khoản tiền trên bao gồm khoảng 3,6 tỷ USD được chuyển trực tiếp cho những người trồng đậu tương.

Thứ trưởng phụ trách Sản xuất và Bảo vệ Nông nghiệp Mỹ, ông Bill Northey, cho biết mỗi giạ đậu tương sẽ được hỗ trợ 1,65 USD nhân với 50% sản lượng dự kiến.

Trước đây, Trung Quốc thường mua khoảng 60% lượng đậu tương xuất khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc hầu như đã rút khỏi thị trường đậu tương Mỹ kể từ khi nước này áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ để trả đũa gói thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh lên hàng hóa Trung Quốc.

“Những khoản hỗ trợ tiếp theo sẽ được tiếp tục công bố trong những tháng tới nếu cần”, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue nói.

Gói hỗ trợ nông nghiệp, được công bố lên tới 12 tỷ USD vào tháng 7, còn bao gồm các khoản thanh toán cho cao lương, ngô, lúa mì và bông.

Những người chăn nuôi lợn cũng được hỗ trợ khoảng 8 USD/con nhân với 50% sản lượng tính đến ngày 1/8, còn những người chăn nuôi bò sữa sẽ nhận được 12 cent cho mỗi tạ trọng lượng.

Việc đăng ký nhận chương trình hỗ trợ sẽ bắt đầu vào ngày 4/9, trùng với vụ thu hoạch năm 2018 và kết thúc vào tháng 1/2019. Những người nông dân sẽ cần phải trình bày bằng chứng về sản lượng để nhận các khoản hỗ trợ, và mỗi khoản thanh toán được giới hạn ở mức 125.000 USD/người.

Chương trình cũng hỗ trợ 1,2 tỷ USD tiền mua hàng hóa nguyên liệu, gồm thịt heo và các sản phẩm từ sữa.

Gói hỗ trợ cũng sẽ trích khoảng 200 triệu USD cho một chương trình xúc tiến thương mại để phát triển các thị trường mới.

Đây được xem là giải pháp hỗ trợ tạm thời cho người nông dân khi Mỹ và Trung Quốc đàm phán các vấn đề thương mại.

“Hỗ trợ ngắn hạn không tạo ra sự ổn định cho thị trường trong dài hạn. Các nhà sản xuất cần thương mại, không phải viện trợ”, ông Doug Schroeder, Phó chủ tịch hội những người trồng đậu tương tại Illinois, cho biết.

Kiều Ngọc

Exit mobile version