Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa chỉ ra nhiều vấn đề mà kinh tế Việt Nam cần tìm biện pháp khắc phục, trong đó có việc thu ngân sách đang phụ thuộc nhiều vào đất, giải ngân vốn đầu tư công chậm, xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nước ngoài…
Báo cáo trước Quốc hội ngày 21/5, Ủy ban Kinh tế đã nêu ra một số “mảng xám” chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua:
-Quy mô GDP thấp hơn dự kiến
Đánh giá về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2017, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững; quy mô GDP còn thấp so với dự kiến xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016–2020.
Mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét, động lực tăng trưởng chính chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Công nghiệp chế biến có nhiều đóng góp nhưng mới chỉ dừng lại ở khâu gia công, chưa phải là công nghệ cao, tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm.
-Xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào FDI
Xuất khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp FDI chiếm 72% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Riêng Tập đoàn Samsung tại Việt Nam xuất khẩu 53,3 tỷ USD, chiếm khoảng 24,9% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 của của nước.
Trong khi đó, Việt Nam chưa liên kết, tận dụng được lợi thế của khu vực doanh nghiệp này để phát triển bền vững khu vực kinh tế trong nước.
-Năng suất lao động thấp
Năng suất lao động xã hội năm 2017 mặc dù đã tăng lên 93,2 triệu đồng, cao hơn so với mức 84,5 triệu đồng của năm 2016, nhưng vẫn thấp hơn so với nhiều nước ASEAN, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Do tốc độ tăng năng suất lao động thấp, mức chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước tiếp tục gia tăng, tạo ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế và khó khăn trong việc thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.
-Số vượt thu ngân sách phần lớn là từ đất, dầu thô
Thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 vượt 76,48 nghìn tỷ đồng (6,3%) so với dự toán. Tuy nhiên, ngân sách trung ương bị hụt thu.
Ủy ban Kinh tế cho biết số tăng thu chủ yếu là từ ngân sách địa phương và phần lớn là từ đất, dầu thô, cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước chứ không xuất phát từ khu vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thu ngân sách từ 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh thấp hơn khá nhiều so với dự toán và thấp hơn số đã báo cáo.
Trong khi đó, nợ đọng thuế năm 2017 là 73.145 tỷ đồng, tuy giảm so với năm 2016 nhưng còn lớn, chiếm 7,6% tổng thu nội địa. Tuy vậy, vẫn chưa có báo cáo giải thích rõ về nguyên nhân, giải pháp chống thất thu, nâng cao hiệu quả công tác thu ngân sách.
-Giải ngân vốn thấp hơn dự toán
Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ chậm; số chuyển nguồn ngân sách nhà nước còn khá lớn, kéo dài phản ánh không đúng số thực thu, thực chi ngân sách địa phương.
Việc giải ngân chậm vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho thấy những hạn chế đã tồn tại từ lâu trong khâu tổ chức thực hiện, chưa có giải pháp hiệu quả để tháo gỡ.
-Giấy phép con còn nhiều
Ủy ban Kinh tế đánh giá tình trạng “giấy phép con, giấy phép cháu” vẫn còn khá nhiều. Dù môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện do một số bộ ngành tiếp tục cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính, nhưng hiện vẫn còn nhiều rào cản, chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Bên cạnh đó, danh mục kiểm tra chuyên ngành cũng còn nhiều. Theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện có 5.917 điều kiện kinh doanh của các bộ tại các cửa khẩu với khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Tỷ lệ hàng hóa làm thủ tục kiểm tra 2-3 lần chiếm 58%, trong đó 54% là kiểm tra 2 lần, còn lại 3 lần. Trung bình mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng để làm các thủ tục này.
-Tội phạm tham nhũng phức tạp
Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đề cập thực trạng tình hình tội phạm tham nhũng diễn biến phức tạp. Số vụ án tham nhũng và số bị can bị khởi tố trong năm 2017 tăng so với năm 2016.
Việc quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn, phải xử lý trách nhiệm hình sự cả cán bộ ở cơ quan địa phương và trung ương.
Minh Tuệ