Đại Kỷ Nguyên

Lời tâm sự nghẹn ngào của người công nhân hay nước mắt rơi vì lối sống đô thị vô ý thức

Những con người lấm lem, hôi thối đã làm sạch cho thành phố. (Ảnh:Zing)

Các công trình hiện đại được mọc lên liên tiếp nhưng kèm theo đó là tình trạng xả thải bừa phứa. Người công nhân ngâm mình trong dòng nước hôi thối cứ tay không bốc lên cả khối rác, rồi không ít lần họ bị bỏng, lột da vì gặp phải luồng hóa chất độc hại được xả thẳng ra cống.  

Khi nhìn dòng sông đặc quánh đen ngòm, cá chết nổi trắng mặt hồ, người ta than thở sao hồ sông gì mà bẩn thế, chẳng ai chịu dọn. Khi đường phố ngập, rác thải nổi lềnh bềnh, người ta bực bội sao không ai chăm chút thông cống. Đi qua các khu đất rộng ngổn ngang xà bần, bốc lên mùi khai thối, người ta bịt mũi buột mồm chửi vống.

Nhưng người ta cũng quên đi rằng, rác bịt đường cống vì nhiều người quen thói tiện tay quẳng xuống đường. Sông đen đặc vì nước thải cứ xả trực tiếp từ đường cống thoát nước. Khu đất kia bốc mùi xú uế vì cái thói tiện đường tè bậy, hay tranh thủ đổ xà bần cho đỡ mất tiền…

Nhưng mấy ai nghĩ đến những công nhân vẫn lầm lũi vớt rác, chui hầm cống để móc lên những mớ phế thải chất ngất đang làm nghẹn thở các dòng chảy, bóp nghẹt các thành phố đô thị.

Anh Ngô Chí Hùng (bên phải) nghẹn lời kể về nỗi tủi mình và đồng nghiệp gặp phải.

Mỗi ngày, các công nhân nạo vét cống bắt đầu làm việc từ 7h sáng đến 16h chiều. Có những cống sâu gần 2 m, các công nhân cũng phải chui xuống để kiểm tra. Bảo hộ cho các anh chỉ là chiếc mũ nhựa, chiếc quần yếm cao su, hay đôi găng tay cứng kèo, nhưng nhiều khi các công nhân cứ chân trần lội cống hay “tay không bắt rác” đồ bảo hộ vướng víu bất tiện.

Mỗi ngày có hàng chục tấn rác thải được dọn lên. Trong số đó có rất nhiều loại độc hại như rác thải y tế, rác thải công nghiệp, hóa chất…Không ít người đã bị thương tích vì va phải những vật sắc nhọn, hay bỏng da, nhiễm bệnh vì gặp phải nước có lẫn hóa chất.

Những công nhân này chia sẻ, gặp khu vực nào người dân có ý thức thì việc dọn rác nhẹ nhàng, còn những nơi có người thường quăng rác, xác động vật chết, kim tiêm, vật nhọn, bóng đèn… xuống thẳng cống thì anh em rất nguy hiểm.

Công việc vất vả là vậy nhưng mức lương một công nhân chỉ khoảng 6-8 triệu đồng, tương đối thấp so với mặt bằng chung của nghề đặc thù độc hại. Nhiều người phải làm thời vụ vài năm mới được ký hợp đồng chính thức.

https://doctinnhanh.net/stores/video_data/thuyha/072018/03/11/Kenh14.vn_-_Chia_sY_cYa_cong_nhan_vY_sinh_Ngo_Chi_Hung_vYa.4801.mp4

Trong chương trình Lắng nghe và trao đổi, anh Ngô Chí Hùng, nhân viên Cty TNHH MTV Thoát nước Đô thị, Tp. HCM, đã khiến nhiều người xúc động vì những lời tâm sự về sự vất vả của nghề. Anh đã nghẹn lời với nỗi tủi khi mình và đồng nghiệp gặp nạn bởi chính từ sự vô tâm của đồng loại.

Không ít giọt nước mắt đã rơi. Không chỉ vì thương và đồng cảm với các anh mà còn là sự chua xót cho những sự vô tâm của người thành thị. Thành phố càng hiện đại, nhu cầu xả thải càng cao, song cơ sở hạ tầng chưa chắc đã đáp ứng kịp và dân cư sẽ ngày một đông hơn, nếu vẫn quen một lối sống vô ý thức, ỷ lại, và vô cảm thì rồi thành phố cũng sẽ nhanh chóng trở thành một phố rác.

Ấy vậy, vẫn nhiều người dè bỉu công nhân vệ sinh là làm thứ nghề mạt hạng.

Thử tưởng tượng một thành phố lớn như Hà Nội hay Tp. HCM không có những con người chấp nhận dầm mình dưới dòng nước đen hôi ấy tự tay xúc lên cả tấn phế thải, liệu rằng bạn có thể đàng hoàng trưng hàng hiệu, sống trong các căn nhà sạch đẹp tiện nghi ấy không!? Nếu không có những con người lấm lem bốc mùi ấy, thành phố cũng đâu thể phồn hoa để bạn thong dong lái xe hơi đi dạo phố.

Hà Vũ

Exit mobile version