Đại Kỷ Nguyên

Lạm phát tháng 1 cao nhất kể từ đầu năm 2017, giá điện, xăng thúc đẩy

CPI

Lạm phát đang chịu áp lực từ đầu năm

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2018 ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ ít nhất là đầu năm 2017 khi sức ép của lạm phát bắt đầu nhen nhóm.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 1/2018 tăng 0,51% so với tháng trước, sau khi chỉ tăng 3,53% trong cả năm 2017.

Năm ngoái, chỉ có 2 tháng giá tiêu dùng của Việt Nam tăng cao hơn mức đầu năm nay là tháng tháng 8 (tăng 0,92%) và tháng 9 (tăng 0,59%).

Nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 2,65% trong tháng 1/2018, vượt mức tăng của tất cả các tháng trong năm 2017 xét trên cơ sở so sánh theo năm.

CPI tháng 1/2018 tăng 2,65%, trong khi năm 2017 có tháng tăng cao nhất là 2,6%.

Trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tính CPI có tới 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh nhất với mức 1,83%, tiếp đến là nhóm giao thông tăng 1,17%, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,55%, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,44%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm giá 0,09% trong tháng 1.

Việc giá xăng, dầu (thuộc nhóm hàng hóa giao thông) được điều chỉnh tăng 2 đợt góp phần làm tăng CPI chung 0,11%. Trong khi đó, giá dịch vụ y tế tăng cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế tại 9 tỉnh, thành phố góp phần làm tăng CPI chung 0,09%.

Giá điện tăng cũng là yếu tố góp phần đẩy CPI tăng 0,06% khi giá điện bình quân được điều chỉnh tăng 6,08% từ ngày 01/12/2017.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tăng cao trong tháng đầu năm do nhu cầu tiêu dùng của người dân và các doanh nghiệp, cơ quan tăng mạnh hơn vào dịp giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất.

Trong tháng 1, lạm phát cơ bản (loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 1,18% so với cùng kỳ.

Lạm phát nhen nhóm trong tháng đầu năm 2018 khi năm nay giá tiêu dùng được sẽ chịu ảnh hưởng bởi lộ trình điều chỉnh giá các dịch vụ do nhà nước quản lý như giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ giáo dục, giá điện, xăng dầu và cả giá lương thực thực phẩm.

Bên cạnh đó là việc nhà nước đang bơm 1 lượng lớn tiền mặt để hấp thụ lượng ngoại tệ lớn bổ sung vào kho dự trữ ngoại hối mà theo con số trước đó trong tháng này đã lên đến mức kỷ lục 54,5 tỷ USD.

Minh Tuệ

Exit mobile version