Đại Kỷ Nguyên

‘Khi con là nhà’: Chuyến hành trình của tình phụ tử

Cuối tháng 12, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cùng ê-kíp đã trở lại cuộc đua phòng vé với bộ phim Khi con là nhà. Khác với Hotboy nổi loạn 2 ra rạp vào tháng 3, tác phẩm đã mang đến cho khán giả những phút giây thư giãn yên bình và đầy cảm xúc.

Đề cao tính nhân văn luôn chính là con đường mà Vũ Ngọc Đãng mang phim của mình đến với trái tim khán giả. Khi con là nhà không nằm ngoài tiêu chí mà đạo diễn đặt ra.

Bộ phim lấy bối cảnh ở một vùng quê yên bình, người cha rất yêu thương con nhưng lại có một tật xấu là ham mê cá độ, cờ bạc. Kiếm được bao nhiêu tiên, Quang (Lương Mạnh Hải) đều “nướng” vào những trò may rủi khiến cuộc sống của hai cha con vô cùng thiếu thốn, đến nỗi “kem đánh răng cũng không có mà dùng”.

Một biến cố xảy ra khiến hai cha con phải trốn chạy lên thành phố và lạc mất nhau. Giữa biết bao khó khăn ở một thành phố lớn họ chưa từng đặt chân tới, cả hai phải nhờ vào lòng tốt của bạn bè và những người xa lạ để tìm nhau. Liệu Quang sẽ làm gì để tìm được cu Bi và sống những tháng ngày hạnh phúc như lúc chưa thất lac.

Chia sẻ về bộ phim Khi con là nhà, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho biết: “Quyết định làm một phim về gia đình, đặc biệt là tình phụ tử vì tôi nhận thấy đây là đề tài không bao giờ cũ, lại có nhiều khía cạnh khai thác và dễ chạm đến cảm xúc của nhiều người.

Và đây là bộ phim đơn giản nhất của tôi về câu chuyện lẫn cách kể chuyện. Qua câu chuyện về cha và con, tôi chỉ muốn gửi gắm một thông điệp hết sức đơn giản mà tôi luôn ghi nhớ: Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc.”

Ngoài yếu tố kịch bản hấp dẫn, đầy tính nhân văn, diễn xuất của hai nhân vật chính trong bộ phim cũng được đánh giá cao. Nếu Hotboy nổi loạn Lương Mạnh Hải vào vai gã trai bao đứng đường bặm trợn thì lần này anh lại lột xác, hoá thân vào vai ông bố nông dân bình dị chốn thôn quê. “Phải khẳng định luôn đây là vai diễn tôi được “khác mình” nhiều nhất. Nhưng thay đổi đáng kể ở đây không phải là tôi thay đổi từ “trắng sáng” sang “đen nhẻm”, mà là lần đầu tiên được… làm bố ở trên phim – Lương Mạnh Hải chia sẻ.

Khán giả chắc chắn sẽ ngạc nhiên nhiều bởi ngay cả trong những cảnh quay ở đồng quê yên bình, cậu bé đã khiến mọi người hoàn toàn tin rằng mình là một nhóc lớn lên ở nông thôn thực sự chứ không phải là đang đóng phim nữa.

Về diễn viên nhí Duy Anh, so với tác phẩm trước đấy – Anh em siêu quậy, cậu đã có nhiều tiến bộ về kỹ năng diễn xuất. Sự ngây thơ, lém lỉnh, đáng yêu và cả những phân đoạn cảm động, tất cả đều được Duy Anh thể hiện một cách tự nhiên, hấp dẫn và không ít lần khiến trái tim của người xem phải rung động. Duy Anh trong cũng chịu khổ không kém với những cảnh quay chân trần lang thang trên đường phố, dầm mưa dãi nắng, bị đánh đập,…

Ngoài ra các yếu tố về hình ảnh, âm thanh của bộ cũng được đánh giá tốt. Có thể nói những khung hình của bộ phim đều được chăm chút kỹ lưỡng và tỉ mỉ. Đặc biệt hình ảnh làng quê Việt Nam hiện lên trên màn ảnh rộng một cách nên thơ và lãng mạn mà chắc hẳn không ít người xem sẽ cảm thấy xao xuyến và muốn được sống, được hòa mình vào khung cảnh yên bình đó không kể giàu hay nghèo, sang trọng hay đơn sơ.

Bên cạnh các điểm cộng, Khi con là nhà vẫn còn tồn tại một số điểm yếu. Mạch phim còn khá dài dòng, chưa tạo được cao trào, điểm nhấn cho tác phẩm đồng thời là cảm xúc của người xem. Một số tình tiết vẫn chưa được logic, không hoàn toàn thuyết phục.

Có thể nói bộ phim là một tác phẩm chứa đựng những gì ngọt ngào về tình cảm cha con, về giá trị đích thực của gia đình cũng như bài học ý nghĩa về cuộc sống.

Trong hiện thực thường ngày, đôi khi vì những ham muốn, những cám dỗ mà con người bỏ quên điều quý giá nhất với bản thân. Chỉ đến khi thực sự mất đi, bạn mới giật mình hoảng hốt và cố gắng tìm kiếm, giữ gìn.

Huyền Hương

Exit mobile version