Đại Kỷ Nguyên

Khám phá những công nghệ mới được dùng trong World Cup 2018, người xem bóng đá ở Việt Nam cần biết

Nhiều công nghệ mới đã được áp dụng tại kỳ World Cup 2018, đáng chú ý trong đó công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video lần đầu tiên được áp dụng tại một giải đấu lớn.

Phải mất một thời gian dài để VAR được áp dụng. Phần lớn ý kiến phản đối xuất phát từ việc lo ngại công nghệ có thể đánh mất đi những cảm xúc tự nhiên mà bóng đá mang lại.

Tại trận đấu giữa Pháp và Australia diễn ra chiều tối hôm 16/6, lần đầu tiên người ta được chứng kiến rõ ràng sự ảnh hưởng của công nghệ Video Assistant Referee (VAR) – công nghệ video hỗ trợ trọng tài – tại World Cup 2018.

Phút 58, trận đấu được tạm dừng để trọng tài Cunha kiểm tra tiền đạo Griezman có bị phạm lỗi hay không. Kết quả sau đó mang về cho tuyển Pháp một quả phạt 11 m, và cũng chính Griezman thực hiện thành công quả phạt đền đưa tuyển Pháp dẫn trước 1-0.

Đây là kỳ World Cup đầu tiên VAR được áp dụng. Những người ủng hộ cho rằng công nghệ này sẽ đưa ra các quyết định công bằng nhất để tìm ra đội bóng xứng đáng giành chiến thắng. Nhưng chính họ cũng phải thừa nhận công nghệ này vẫn còn quá mới, và làm thế nào để sử dụng một cách hiệu quả nhất cũng là vấn đề gây tranh cãi.

Công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video (VAR – Video Assistant Referee)

Công nghệ VAR đã được Hiệp hội Bóng đá quốc tế (IFAB) thông qua vào năm 2016 và được thử nghiệm đầu tiên vào tháng 8/2016 trong một trận đấu bóng đá ở giải nhà nghề Mỹ.

World Cup 2018 là giải đấu lớn đầu tiên được áp dụng công nghệ VAR để hỗ trợ cho các trọng tài. Tuy nhiên FIFA cho biết VAR chỉ được sử dụng để “sửa lại các quyết định sai có thể làm ảnh hưởng đến trận đấu”, chẳng hạn có lỗi xảy ra trong tình huống ghi bàn hay không, các quyết định thổi phạt đền, quyết định rút thẻ đỏ trực tiếp…

Trọng tài có thể tự xem lại các tình huống thông qua màn hình TV bên đường biên hoặc dựa vào các thông tin được cung cấp từ tổ trợ lý trọng tài quản lý video để có thể tự mình đưa ra quyết định cuối cùng.

Công nghệ Goal-Line

Công nghệ Goal-Line được áp dụng lần đầu tiên tại World Cup 2014 diễn ra tại Brazil và được tiếp tục áp dụng tại kỳ World Cup năm nay.

Công nghệ này sẽ giúp giải quyết những tình huống tranh cãi trong những tình huống diễn ra nhanh chóng mà mắt thường không thể xác định được bóng đã lăn qua vạch vôi hay chưa.

Hệ thống giám sát và hiệu suất điện tử (EPTS)

Đây là công nghệ dùng để giám sát hiệu suất thi đấu của các cầu thủ để giúp ban huấn luyện đưa ra các phân tích chiến thuật hợp lý.

FIFA cho biết 2 máy quay quang học sẽ được sử dụng để theo dõi vị trí các cầu thủ và bóng rồi gửi các dữ liệu này về máy tính đội ngũ kỹ thuật của 2 đội tuyển đang thi đấu trên sân. Đội ngũ kỹ thuật sẽ tiếp tục gửi dữ liệu này đến máy tính chuyên dụng của ban huấn luyện thông qua một đường dây kết nối riêng hiện đang ngồi trên băng ghế chỉ đạo.

Trái bóng Telstar 18 với khả năng kết nối smartphone

Telstar 18 là trái bóng chính thức tại World Cup 2018 do Adidas sản xuất. Điểm nhấn đặc biệt của trái bóng Telstar 18 đó là được tích hợp bên trong một con chip NFC (giao tiếp trường gần) để cho phép kết nối và tương tác với người dùng qua smartphone.

Trên thực tế trái bóng Telstar 18 không phải là một quả bóng thông minh, khi mà công nghệ NFC bên trong quả bóng không cho phép tính toán tốc độ hay quỹ đạo di chuyển của trái bóng… mà trên thực tế công nghệ NFC chỉ cho phép 2 thiết bị trao đổi dữ liệu với nhau. Trong trường hợp của quả bóng Telstar 18, người dùng có thể sử dụng smartphone của mình để mở khóa các chức năng được Adidas tích hợp sẵn khi kết nối với quả bóng thông qua giao thức NFC.

Các nội dung được tích hợp trong chip NFC của quả bóng sẽ được cập nhật thường xuyên, nghĩa là người dùng có thể thường xuyên kết nối smartphone với quả bóng để có thể nhận các nội dung mới được đưa ra từ Adidas, chẳng hạn thông tin cập nhật về các trận đấu tại World Cup 2018, những trào lưu bóng đá hoặc một lời thách thức về kỹ năng tâng bóng…

Những tình huống nào sẽ có sự can thiệp của VAR?

Dù cho phép sự có mặt của VAR, FIFA vẫn rất cẩn trọng khi chỉ cho phép 4 trường hợp thường gây nhiều tranh cãi được áp dụng công nghệ này:

– Bàn thắng và tình huống dẫn đến bàn thắng.

– Phạt đền và tình huống dẫn đến phạt đền.

-Tình huống dẫn đến thẻ đỏ. Đây là một trong những trường hợp gây tranh cãi nhiều nhất sẽ được đề cập ở phần dưới.

-Nhầm lẫn cầu thủ trên sân. Nghe có vẻ khá buồn cười song đây cũng là một trọng trách của VAR.

Tùng Anh (TH)

Exit mobile version