Đại Kỷ Nguyên

Khai tử xăng A92, người tiêu dùng có khả năng chịu thiệt

Việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng đối với xăng sinh học đang là vấn đề nan giải. (Ảnh: TÚ UYÊN).

Vào ngày 1/1/2018, xăng A92 sẽ bị khai tử, thay vào đó xăng A95 và E5 sẽ được cũng cấp ra thị trường.

Đứng trước thực trạng này, nhiều tổ chức và cá nhân lo sợ sẽ không đủ lượng cung xăng A95 ra thị trường, bên cạnh đó việc độc quyền trong cung cấp nguyên liệu chế biến xăng sinh học cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà người hứng chịu chính là người tiêu dùng.

Nguồn cung xăng A95 liệu có ổn định?

Mới đây Sở Công Thương TP.HCM ra thông báo cho biết, các nhà máy sản xuất nguyên liệu trong nước hiện đang hoạt động cầm chừng do nguồn nguyên liệu đầu vào là ethanol không ổn định, đầu ra của xăng cũng không cao. Hệ quả của việc này là chi phí sản xuất ethanol cao, kéo theo giá xăng E5 cũng cao.

Nếu thay thế hoàn toàn xăng A92 bằng xăng A95 và xăng sinh học E5, đứng trước giá xăng E5 có xu hướng cao hơn giá xăng A95, một hệ quả tất yếu là người tiêu dùng sẽ đổ xô đi mua xăng A95. Trước thực trạng đó, Sở Công Thương TP.HCM lo lắng rằng nguồn cung của xăng A95 sẽ không đủ để cung cấp ra thị trường.

Đồng ý với ý kiến của Sở Công Thương TP.HCM, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ cũng nhận định dù xăng E5 đang được bán song song cùng xăng khoáng A92 nhưng người tiêu dùng không mặn mà gì với loại xăng này, do đó, nếu quyết định khai tử xăng A92, việc tất cả người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xăng A95 là không thể tránh khỏi.

Nếu các cơ quan, ban, ngành và các doanh nghiệp xăng dầu không có sự chuẩn bị, nguy cơ thiếu hụt xăng A95 là không thể tránh khỏi.

Hiện nay, người tiêu dùng không mấy mặn mà với xăng E5. (Ảnh minh họa).

Xăng E5 một mình một chợ, người tiêu dùng là người chịu thiệt

Mặc dù phía lãnh đạo Petrolimex đã đưa ra những phương án nhằm đáp ứng đủ nguồn xăng cho thị trường, nhưng nhiều ý kiến lo ngại có thể xảy ra tình trạng độc quyền trong cung ứng ethanol.

Được biết, hiện nay Công ty TNHH Tùng Lâm là đơn vị duy nhất cung cấp ethanol phục vụ cho việc phối trộn nhiên liệu sinh học cho các đầu mối xăng dầu trên cả nước. Theo tính toán, nếu thay thế toàn bộ xăng A92 bằng xăng E5, mỗi năm cần hơn 275.000 m3 ethanol nguyên liệu. Trong khi đó, công ty Tùng Lâm chỉ đáp ứng được gần 200.000 m3 nguyên liệu.

Khi chỉ một mình công ty cung ứng nguyên liệu, khó tránh khỏi tình trạng độc quyền xảy ra, và khi đó, người tiêu dùng sẽ là người chịu thiệt.

Để phá vỡ thế độc quyền nguồn cung ethanol, các chuyên gia cho rằng cần phải đưa các nhà máy nhiêu liệu sinh học tại miền Trung và Bình Phước tái hoạt động. Tuy nhiên, theo phía Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, các doanh nghiệp này đều đang tạm dừng hoạt động và chờ phê duyệt mới có thể hoạt động trở lại.

Ngoài ra, nguồn cung của ethanol phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết dẫn đến tình trạng không ổn định về sản lượng, giá cả.

Từ những lý do trên, Sở Công Thương TP.HCM cho rằng cần có lộ trình và phương án cụ thể cho việc nhập khẩu và dự trữ nguồn xăng A95 hợp lý, tránh gây ra tình trạng thiếu hụt và nhiễu loạn thị trường.

Cần thêm những chính sách khuyến khích người tiêu dùng

Theo một báo cáo vào giữa tháng 10 của sở Công Thương TP.HCM, sản lượng tiêu thụ bình quân xăng E5 tính đến tháng 10/2016 đạt 8.330m3 /tháng, chiếm 6,4% tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu của thành phố. Tháng 8/2017 sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 8.053m3/ tháng chiếm 6.2% tổng sản lượng xăng trên địa bàn.

Qua những con số trên có thể nhận thấy sự không mặn mà của người tiêu dùng đối với xăng E5. Bên cạnh đó, vì tỉ lệ chiết khấu xăng sinh học E5 thấp nên hầu như các cửa hàng kinh doanh cũng không có hứng thú với việc chuyển đổi kinh doanh mặt hàng xăng này.

Từ những thực tế trên, Sở Công Thương cho rằng, cần có những chính sách, cơ chế hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng E5 để giảm giá thành, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng.

Hoàng Minh

Exit mobile version