Đại Kỷ Nguyên

Khai thác hình ảnh cầu thủ qua chuyện của thủ môn Bùi Tiến Dũng

Việc sử dụng hình ảnh thủ môn Bùi Tiến Dũng của đội tuyển U23 Việt Nam đang trở thành tâm điểm dư luận khi câu lạc bộ FLC Thanh Hóa dọa kiện một công ty truyền thông tung ra bảng giá kinh doanh hình ảnh của anh khi chưa được phép.

Sau khi các cầu thủ U23 thi đấu thành công tại giải đấu U23 Châu Á và trở về như những người hùng, những cái tên như Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Lương Xuân Trường… để lại những âm vang trong lòng công chúng.

Nhận thấy giá trị hình ảnh của các cầu thủ là một miếng bánh không thể tuyệt vời hơn, nhiều đơn vị muốn làm đại diện thương hiệu, hình ảnh cho họ.

Trước đó, một công ty truyền thông đã lập fanpage U23 và thông báo thủ môn của đội đã ký hợp đồng bảo trợ thương hiệu với họ.

Đại diện lãnh đạo CLB FLC Thanh Hóa đã nhanh chóng khẳng định mọi giao dịch của công ty này với thủ thành Bùi Tiến Dũng là vô hiệu nếu không thông qua CLB. Tiến Dũng đang là cầu thủ của FLC Thanh Hóa và chịu sự quản lý toàn bộ vấn đề chuyên môn, hình ảnh, nên không được tự ý ký hợp đồng với các đơn vị, cá nhân để kinh doanh hình ảnh bản thân.

Vậy bản quyền hình ảnh của cầu thủ được khai thác thế nào? 

Tại giải bóng đá Anh, việc các CLB khai thác bản quyền hình ảnh cầu thủ trên khía cạnh thương mại không còn mới. Việc chia lợi nhuận giữa các bên cũng được quy định rạch ròi. Sau chuyện báo giá của Bùi Tiến Dũng, bóng đá Việt Nam cũng cần có những điều khoản hợp đồng kỹ hơn.

Theo hợp đồng tuyển dụng cơ bản tại giải Ngoại hạng Anh, các CLB có một số quyền nhất định để cho phép họ sử dụng một số cầu thủ phục vụ cho mục đích thương mại với các đối tác quảng cáo. Tuy nhiên, phạm vi của nó chỉ ở mức hẹp.

Các CLB hiểu rằng các siêu sao mà họ đang nắm giữ là tài sản có thể tạo ra giá trị thương mại bên cạnh việc thi đấu trên sân cỏ. Với sự phổ biến của giải Ngoại hạng Anh, các trận đấu được phát sóng hầu hết trên các quốc gia và trên thế giới, những CLB có tiếng tăm sở hữu các ngôi sao được nhà tài trợ và đối tác thương mại đặc biệt để mắt đến.

Một cách truyền thống, các đội bóng trả tiền để cầu thủ chơi bóng. Nhưng khi các mối quan hệ ngoài chuyên môn sân cỏ được đẩy mạnh, với sự thương mại hoá bóng đá được tăng lên, các đội bóng cũng tìm cách kiếm được nhiều tiền hơn (tất nhiên là có trả cho cầu thủ) trên các khía cạnh thương mại khác.

Do vậy, nếu không có thoả thuận về bản quyền hình ảnh riêng với các ngôi sao thì các CLB khó sử dụng tối đa hình ảnh siêu sao cho các mục đích thương mại.

Quang Minh

Exit mobile version