Đại Kỷ Nguyên

Hy Lạp thoát khỏi các chương trình cứu trợ sau 10 năm khủng hoảng nợ

Hy Lạp đã nhận được 289 tỷ Euro từ châu Âu trong một thập kỷ qua. (Ảnh: Pixabay)

Ngày 20/8 là một ngày lịch sử đối với Hy Lạp khi một thập kỷ phải nhận sự trợ giúp tài chính từ bên ngoài đã kết thúc.

Cột mốc này được thiết lập khi chính phủ Hy Lạp do đảng Syriza cầm quyền hoàn tất thành công các yêu cầu mà chủ nợ đưa ra cho gói giải cứu thứ ba trị giá 62,9 tỷ Euro, tương đương 70,8 tỷ USD.

Đây là gói cứu trợ cuối cùng mà Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) cung cấp cho Hy Lạp để giúp nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công. Trước đó, đã từng có nhiều ý kiến lo ngại rằng một chính đảng thiếu kinh nghiệm như Syriza có thể hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn như vậy.

“Ngày hôm nay, chúng ta ăn mừng sự kết thúc của một hành trình rất dài và gian khó. Vấn đề giờ đây là phát triển thành tựu này bằng cách duy trì các chính sách tài khóa và kinh tế phù hợp”, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis nói với CNBC.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng đây chỉ là khoảnh khắc “tượng trưng” và Hy lạp vẫn còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện nền kinh tế nước này.

Kể từ ngày 20/8, Hy Lạp sẽ không còn cần đến vốn hỗ trợ cũng như chịu sự ràng buộc từ các chủ nợ nữa, mà sẽ trở lại là một quốc gia chủ động tài chính. Bất cứ khi nào cần thiết, Hy Lạp có thể phát hành trái phiếu để vay nợ theo lãi suất thị trường.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp kỳ hạn 10 năm hiện ở mức 4,3%, cao nhất trong khu vực, đồng nghĩa với việc Athens sẽ phải trả lãi suất cao hơn so với các chính phủ khác ở châu Âu khi vay nợ trên thị trường trái phiếu.

Tại thời điểm hiện tại, quy mô nền kinh tế Hy Lạp vẫn còn thấp hơn 25% so với thời điểm đầu cuộc khủng hoảng.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong vòng 1 thập kỷ qua, chỉ có 4 quốc gia chịu sự suy giảm quy mô kinh tế lớn hơn Hy Lạp là Yemen, Libya, Venezuela và Guinea Xích đạo.

Sau một thập kỷ khủng hoảng kinh tế, tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp đang dần trở lại. Theo dự báo của Ủy ban châu Âu, tăng trưởng GDP của nước này sẽ tăng lên 1,9% vào năm 2018 và đạt mức 2,3% vào năm tiếp theo.

Trước đó vào tháng 8/2015, các chủ nợ của Hy Lạp gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) đã chấp thuận cấp tới 86 tỷ Euro cho nước này. Đây là gói cứu trợ thứ 3 Hy Lạp phải nhận chỉ trong 5 năm.

Gói này nằm trong chương trình cứu trợ lớn nhất lịch sử tài chính toàn cầu, với tổng cộng 289 tỷ Euro. Trong 3 năm qua, ESM đã giải ngân cho Hy Lạp 61,9 tỷ Euro để nước này cải thiện kinh tế vĩ mô và tái cấp vốn các ngân hàng.

Theo chương trình, Athens có thể được cấp thêm 24,1 tỷ Euro nữa. Tuy nhiên, con số này giờ không còn cần thiết.

Trong thời gian khủng hoảng nợ công, tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp có lúc lên mức 28%, khiến khoảng 300.000 người Hy Lạp phải di cư ra nước ngoài để tìm việc làm. Giờ đây, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã giảm về mức 19,5%.

Kiều Ngọc

Exit mobile version