Đại Kỷ Nguyên

Hôm nay, hiệp định CPTPP sẽ được ký kết với 11 nước thành viên

Hôm nay, hiệp định CPTPP sẽ được ký kết

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữa 11 nước thành viên sẽ chính thức được ký kết vào hôm nay (8/3) tại Santiago, Chile. Hiệp định sẽ đặt ra những cơ hội cũng như thách thức đối với Việt Nam.

VnExpress dẫn nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết lễ ký kết chính thức CPTPP sẽ diễn ra vào khoảng 15-16h ngày 8/3 tại Santiago, Chile (giờ địa phương).

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), không còn Mỹ nhưng CPTPP về cơ bản vẫn kế thừa toàn bộ nội dung của hiệp định TPP và cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới. Trong số các nghĩa vụ được tạm hoãn, các nước đồng ý để Việt Nam miễn thực thi một số cam kết quan trọng liên quan đến sở hữu trí tuệ, đầu tư, mua sắm của Chính phủ, dịch vụ tài chính, viễn thông…

Hiệp định CPTPP vẫn được coi là hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao. Hiệp định này đề cập tới những lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại… và xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước.

Sau khi được ký kết, CPTPP sẽ có hiệu lực nếu ít nhất được 6 nước thành viên phê chuẩn. Với Việt Nam, Chính phủ sẽ trình quốc hội xem xét, thông qua và quyết định việc đưa vào thực hiện theo lộ trình được các nước tham gia thống nhất.

Chia sẻ trên Lao Động, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định hiệp định CPTPP mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các lợi ích chưa thể tính toán được đến từ quá trình thúc đẩy cải cách thể chế. Tuy nhiên, hiệp định CPTPP tạo ra sự thúc ép rất lớn về cạnh tranh cho cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế, là điều kiện để Việt Nam có tăng trưởng bền vững hơn.

TS Trần Toàn Thắng – Trưởng ban Kinh tế Thế giới, thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (Bộ KHĐT) – nhận định hiệp định CPTPP vẫn tạo sức ép cải cách thể chế mạnh mẽ lên Việt Nam. Hiệp định này có những điều khoản trực tiếp yêu cầu Việt Nam phải thay đổi luật lệ, quy tắc. Do đó, muốn tận dụng được lợi ích và hạn chế tác động tiêu cực, Việt Nam phải tự nâng được năng lực cạnh tranh của mình.

Nguyễn Trang

Exit mobile version