Đại Kỷ Nguyên

Hoạt động sản xuất tại châu Á chững lại vì chiến tranh thương mại Mỹ – Trung

Hoạt động chế tạo tại châu Á giảm nhiệt trong tháng 7/2018. (Ảnh: Reuters)

Hoạt động sản xuất trên toàn châu Á đã chững lại trong tháng 7, nhấn sâu thêm quan ngại về triển vọng của nền kinh tế khu vực khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang.  

Theo kết quả khảo sát được công bố ngày 1/8, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc đạt mức thấp nhất trong vòng 8 tháng qua khi các đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh nhất kể từ giữa năm 2016 do tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Số liệu của Caixin cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc đạt 50,8 điểm trong tháng 7, giảm so với mức 51,5 điểm của tháng 6/2018.

Tuy chỉ số PMI tổng hợp nằm ở trên mức 50 điểm cho thấy ngành sản xuất vẫn tăng trưởng, nhưng chỉ số phụ về đơn hàng xuất khẩu mới đã rơi xuống còn 48,4 điểm, cho thấy hoạt động xuất khẩu đang suy giảm.

Diễn biến chỉ số PMI của Trung Quốc

Vào ngày 6/7, Mỹ và Trung Quốc đã đánh thuế trị giá 34 tỷ USD lên hàng hóa của nhau. Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng vừa đề xuất mức thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thay vì 10% công bố trước đó.

Chính quyền Bắc Kinh cam kết sẽ đáp trả Mỹ bằng gói thuế quan tương tự dù nước này chỉ nhập khoảng 130 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ.

Theo ngân hàng HSBC, chỉ số PMI cho thấy viễn cảnh bấp bênh đối với nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất và tâm lý của các doanh nghiệp nước này.

Để hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm 74 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính phủ cũng công bố gói chi tiêu trị giá 200 tỷ USD để cải thiện cơ sở hạ tầng những nơi yếu kém. Tuy nhiên, bất kỳ biện pháp tài chính và tiền tệ nào cũng cần có thời gian để thích ứng.

“Kinh tế Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng chậm lại trong quý này và quý tới”, chuyên gia kinh tế Julian Evans-Pritchard của hãng Capital Economics tại Singapore nhận định.

Không riêng gì Trung Quốc, chỉ số PMI tại Nhật Bản và Australia cũng giảm nhẹ trong tháng 7. Các quốc gia khác như Malaysia, Đài Loan, Indonesia và Hàn Quốc cũng đón nhận những con số khiêm tốn.

Các nhà phân tích của hãng Morgan dự đoán Đài Loan và Hàn Quốc sẽ là hai quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu bởi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

Chỉ số PMI của Việt Nam giảm nhẹ trong tháng 7

Tại Việt Nam, chỉ số PMI của ngành sản xuất cũng giảm nhẹ xuống 54,9 điểm trong tháng 7 từ mức 55,7 điểm của tháng 6.

Kiều Ngọc

Exit mobile version