Đại Kỷ Nguyên

H&M, Zara đổ bộ vào Việt Nam, lời cảnh báo cho thương hiệu Việt

Zara khai trương cửa hàng tại Hà Nội, rất đông người đến mua hàng. (Ảnh: Vietnammoi)

Mặc dù là một trong những nước xuất khẩu hàng dệt may đứng trong top đầu thế giới, nhưng nhiều thương hiệu Việt vẫn phải ngậm ngùi ngay tại sân nhà trước sự xuất hiện của một số “ngoại binh”.

Thị trường Việt đang có sự góp mặt của khoảng 200 thương hiệu thời trang ngoại, chiếm hơn 60% thị phần, và 40% còn lại thuộc về các thương hiệu nội với những bước đi rụt rè.

Các hãng thời trang nước ngoài như H&M, Zara đang như cơn bão đổ bộ vào thị trường Việt Nam như một hồi chuông gióng thúc các doanh nghiệp dệt may Việt xác định lại định hướng, mục tiêu và phân khúc thị trường của mình để không phải “ngậm ngùi” nhường nốt 40% thị phần còn lại.

Đã có những khoảng thời gian, các hãng thời trang Việt được mở ra ồ ạt, xuất hiện trên hầu hết các vị trí đẹp của các tuyến phố, nhưng theo thời gian, những cái tên như Vietthy, Foci, K&B, PT 2000, Blue Exchange… lại lặng lẽ đóng cửa, thu hẹp quy mô kinh doanh do không thể cạnh tranh lại với hàng Trung Quốc và các hãng thời trang giá rẻ nước ngoài.

Một thời là niềm tự hào của thương hiệu Việt, The Blue cũng không tránh khỏi việc thu hẹp quy mô

Có lẽ, đây không phải là một điều bất ngờ với các doanh nghiệp và người dân Việt, bởi thời gian trước, có không ít cảnh báo được đưa ra về tình trạng các doanh nghiệp Việt sẽ mất thị phần và thất bại ngay tại sân nhà khi thương hiệu nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam xây dựng các chuỗi bán lẻ, cửa hàng bán lẻ.

Và giờ đây, các nhận định ấy đang dần trở nên hiện thực. Sự xuất hiện hàng loạt thương hiệu thời trang giá rẻ quốc tế vào thị trường Việt Nam như H&M, Zara, OldNavy… là một tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp dệt may Việt đang bắt đầu vào một cuộc chiến mới khốc liệt hơn.

Cửa hàng H&M Hà Nội kín khách sau vài phút khai trương. (Ảnh: VietnamBiz)

Lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may khá có tiếng cho biết, nếu để “đấu” lại với các hãng thời trang nước ngoài như H&M hay Zara, các doanh nghiệp Việt phải đầu tư các cửa hàng giới thiệu sản phẩm “tầm cỡ”. Tuy nhiên, để xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm này hoàn toàn không dễ dàng khi mà chi phí đầu tư cho mặt bằng có thể lên tới 6–8 tỷ đồng là một con số ngoài tầm tay của nhiều doanh nghiệp Việt.

Bên cạnh đó, tình trạng hàng thời trang giá rẻ Trung Quốc tràn lan trên thị trường cũng là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Việt gặp khó. Bởi lẽ, giá trị của các sản phẩm dệt may Việt Nam thường có giá khá cao, dao động trong khoảng từ 400.000–2.000.000 đồng/sản phẩm, gây khó khăn cho việc tiếp cận của đại bộ phận người tiêu dùng Việt Nam. Trong khi đó, hàng Trung Quốc có giá bình dân trong khoảng 100.000-500.000 đồng.

Giảm giá liên tục đang là chiêu của các thương hiệu Việt trước sự cạnh tranh gay gắt

Hàng cao cấp thì không đầu tư nổi, hàng giá rẻ thì không thể cạnh tranh lại dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp dệt may Việt chấp nhận bỏ qua thị trường trong nước và quyết định “đem chuông đi đánh xứ người” và không mặn mà gì với thị trường nội địa.

Theo thống kê của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tổng cầu thị trường trong nước mỗi năm lên tới khoảng 40 triệu bộ quần áo. Thị trường dệt may nội địa với quy mô 4,5 tỷ USD, tương đương mỗi năm người Việt chi khoảng 100.000 tỷ đồng cho quần áo. Nếu các doanh nghiệp Việt tiếp tục bỏ qua mảnh đất “màu mỡ” này thì quả là điều đáng tiếc.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, để có thể giành lại thị trường trong nước, cạnh tranh bền vững với cơn sóng hàng ngoại nhập, các doanh nghiệp Việt Nam cần có những bước đi mạnh mẽ và vững chắc, tập trung đầu tư vào đội ngũ thiết kế, nắm bắt nhanh xu hướng thời trang, liên tục thay đổi mẫu mã, kiểu dáng theo thị hiếu người tiêu dùng và thắt chặt việc kiểm soát chất lượng sản phẩm cùng hệ thống phân phối.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt cũng cần quan tâm tới việc định giá sao cho phù hợp với phân khúc khách hàng mà doanh nghiệp định hướng.

Thu Nguyễn

Exit mobile version