Đại Kỷ Nguyên

Hiểm họa tiềm ẩn từ Slime – “chất nhờn kỳ dị” trước cổng trường

Ảnh minh họa.

Với 5.000-150.000 đồng cho một hộp “chất nhờn” smile, trẻ em có thể say mê, vui chơi nhiều giờ đồng hồ. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp bị bỏng, viêm da… thậm chí tháo khớp từ món đồ chơi tưởng vô hại này. 

Vài năm trở lại đây, slime (chất nhờn ma quái, xà lam) là món đồ chơi quen thuộc của nhiều trẻ em. Với cách chơi dễ dàng, có thể tạo thành nhiều hình dạng khác nhau, giá thành rẻ, học sinh vô tư chơi mà không biết đó là mối nguy hiểm tiềm tàng.

Phóng viên của VOV quan sát một trường hợp: Khi trống tan học vừa vang lên, 2 học sinh của Trường tiểu học Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) chạy ngay ra cửa hiệu tạp hóa, mua slime ma thuật với giá 50.000 đồng/quả. 2 cậu bé truyền tay nhau chơi, vừa nhào nặn vừa bốc bim bim bỏ vào miệng ăn ngon lành.

Em L.T.H (8 tuổi, TP. HCM) thổ lộ với phóng viên Báo Thanh Niên rằng rất thích chơi slime. “Nó mềm mềm, dẻo dẻo, có thể tạo thành nhiều hình thù khác nhau. Trong lớp cũng có nhiều bạn chơi”, H. hào hứng.

Slime được rao bán khắp nơi, từ cổng trường học đến trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Dạo qua trang mạng xã hội, có rất nhiều tài khoản rao bán slime với những lời quảng cáo như rèn luyện được tính sáng tạo, suy nghĩ độc đáo, biết cách tạo hình thông minh, linh hoạt… Giá thành và chủng loại cũng đa dạng không kém, từ handmade đến nhập khẩu, chỉ cần 5.000-150.000 đồng, trẻ đã có thể sở hữu món đồ chơi hấp dẫn.

Chị Nguyễn Hoài Hương – phụ huynh học sinh chia sẻ với Báo Thanh Niên, slime được bán trước cổng trường rất nhiều. Bản thân chị cũng mua cho con sử dụng.

Hơn 100 triệu kết quả được tìm thấy trong 0,47 giây liên quan đến từ khóa “slime”. (Ảnh chụp màn hình)

Chưa rõ loại đồ chơi này có thể kích thích sự sáng tạo đến đâu nhưng đã có nhiều trường hợp trẻ bị dị ứng, lở loét tay chân do silme.

Ngày 18/9, 19 học sinh của Trường THCS Bình Tân (huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) phải nhập viện do dị ứng hóa chất từ chất nhờn ma quái.

Tháng 2/2018, một phụ huynh ở Tây Ninh cũng chia sẻ câu chuyện con chơi slime bị sưng, lở loét ngón tay. (Ảnh chụp màn hình)

Theo ThS. Lê Phú Đông – Khoa Kỹ thuật hóa học và môi trường (Trường Đại học Lạc Hồng) slime được sản xuất từ hồ nước, phấn, bột giặt, dầu gội, muối, đường, kem đánh răng, nước nhỏ mắt… Nếu được làm từ những thành phần an toàn, slime sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất đã cho thêm hóa chất để hạ giá thành, do đó không thể đảo bảo nguồn gốc, chất lượng của loại đồ chơi này.

Ngoài ra, có nhiều slime lấp lánh, sặc sỡ do rắc kim tuyến. Điều này cũng nguy hiểm, bởi kim tuyến có thể gây tổn thương gan, thận, nhiễm trùng miệng, mũi, đường hô hấp nếu trẻ đưa tay lên miệng, dịu mắt… Hơn nữa, dù được làm từ thành phần an toàn, slime cũng là thứ không thể ăn được.

TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) khuyến cáo, nếu cho trẻ nhỏ chơi, cần chọn mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, thành phần rõ ràng, khi chơi có người lớn phải giám sát. Dù chất dẻo không dính tay nhưng mọi người cần rửa tay sạch sẽ sau khi chơi.

Hoàng Kỳ (Tổng hợp)

Exit mobile version