Đại Kỷ Nguyên

Hàng trăm hộ dân Thanh Hóa khóc ròng vì dự án bò sữa nghìn tỷ đồng dở dang

Hàng trăm hộ dân ở 2 huyện Nông Cống và Như Thanh (Thanh Hóa) nằm trong dự án chăn nuôi bò sữa nhiều tháng nay như “ngồi trên đống lửa” khi chủ đầu tư đột ngột dừng dự án khiến họ thiệt đơn thiệt kép.

Theo Thanh niên, cách đây 1 năm, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại các xã Yên Mỹ, Công Bình (huyện Nông Cống) và xã Thanh Tân (huyện Như Thanh) cho Công ty TNHH Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ.

Quy mô dự án dự kiến được triển khai tại 3 xã trên với tổng diện tích khoảng 1.354 ha để xây dựng 4 trang trại chăn nuôi 20.000 con bò, xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 72 tấn/ngày… Tổng mức đầu tư của dự án là 3.800 tỷ đồng, dùng vốn của doanh nghiệp và vốn huy động hợp pháp khác.

Tháng 10/2017, công tác kiểm kê, đo đếm diện tích đất và nhà cửa của người dân 2 huyện Nông Cống và Như Thanh đã hoàn thành, chỉ chờ chủ đầu tư giải ngân để bàn giao mặt bằng.

Tại xã Công Bình, gần 100 ha đất ở, đất nông nghiệp, đất vườn của gần 40 hộ dân được thông báo kiểm kê. Tại xã Thanh Tân (huyện Như Thanh), dự án lấy gần 30 ha, ảnh hưởng đến 117 hộ gia đình.

Sau khi công tác kiểm tra kết thúc, người dân được thông báo dừng canh tác, sản xuất nên các hộ phải bán mía non, keo non, bán trâu bò… để chuẩn bị di chuyển. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư lại đột ngột thông báo dừng việc lấy đất, khiến người dân vô cùng bức xúc vì thiệt đơn thiệt kép.

Người dân thôn Ổn Lâm 1 “khóc ròng” bên những đồng mía không được chăm sóc vì chờ nhường đất cho dự án. (Ảnh: Thanh niên)

Chia sẻ trên Thanh niên, bà Chức (thôn Ổn Lâm 1, xã Công Bình, huyện Nông Cống) cho biết gia đình bà có 1,6 ha đất trồng mía. Khi đang trồng dở vụ mía năm 2017 thì được kiểm kê để giải phóng mặt bằng cho dự án. Mặc dù chưa đến kỳ thu hoạch, bà Chức vẫn phải bán mía non để nhường đất cho dự án.

“Không chỉ phải bán mía non, mà vụ tiếp theo (vụ năm 2018) do chờ để dự án lấy đất nên gia đình chúng tôi không chăm sóc, không đầu tư, bỏ không 1,6 ha đất. Đột nhiên có thông tin dự án không lấy đất nữa, chúng tôi vừa thiệt cả vụ mía năm 2017, giờ lại không đầu tư được vụ mía năm 2018. Vậy ai chịu trách nhiệm cho thiệt hại của chúng tôi?”, bà Chức nói.

Tương tự, gia đình bà Việt (thôn Ổn Lâm 1) cho hay đã phải bán rẻ cây non cùng với đôi bò, chặt bỏ cây cối trong vườn chờ ngày bàn giao đất cho doanh nghiệp để di chuyển đến nơi khác.

“Ngồi chờ mãi không thấy dự án triển khai, chúng tôi đi hỏi huyện, hỏi tỉnh thì được biết phía chủ đầu tư họ báo không lấy đất nữa. Gia đình tôi thiệt hại hàng trăm triệu đồng thì ai chịu trách nhiệm?”, bà Việt bức xúc.

Ngoài ra, bà Việt cho biết thêm hiện Nhà máy mía đường Nông Cống (huyện Nông Cống) cũng đã cắt hợp đồng đầu tư giống, phân bón với gia đình bà.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Thảo (thôn Ổn Lâm 1) than thở gia đình ông có tổng 8,3 ha đất rừng và đất mía nằm trong vùng dự án.

“Dự án vào đã khiến cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn, keo bán non, mía cho chặt sớm, không chăm bón, cho trâu bò ăn, giờ mía có chỗ chết đến 70%. Từ ngày đó đến nay không tái sản xuất được vì không có phân”, ông Thảo chia sẽ trên trang Dân trí.

Việc chủ đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa “đem con bỏ chợ” đã khiến nhiều hộ dân ở Thanh Hóa điêu đứng, không có thu nhập trong khi cả trăm ha đất nông nghiệp bỏ hoang, gây lãng phí.

Trao đổi với Thanh niên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Nông Cống, cho biết sau khi kiểm kê, áp giá đền bù xong, chờ mãi không thấy chủ đầu tư, chính quyền huyện cũng đã làm văn bản đề nghị họ chuyển kinh phí bồi thường, nhưng vẫn không thấy hồi âm.

Trong buổi làm việc giữa UBND huyện Nông Cống, Công ty TNHH Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ và công dân xã Công Bình ngày 23/3, Phó Tổng giám đốc công ty là ông Phạm Tuấn Hiệp nêu lý do công ty không có tiền trả tiền giải phóng mặt bằng cho người dân, nên không đầu tư dự án nữa.

Về những thiệt hại của người dân, phía chủ đầu tư dự án bò sữa cũng chỉ cho biết sẽ có trách nhiệm nhưng hiện vẫn chưa có hành động cụ thể nào.

Nguyễn Trang

Exit mobile version