Đại Kỷ Nguyên

Hàng trăm căn hộ tái định cư ở Hà Nội bị bỏ trống: Đề xuất thu hồi sau 2 năm không về ở

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có đề xuất thu hồi các căn hộ tái định cư sau 2 năm người dân không về ở để bán đấu giá thu hồi vốn.

Sở Xây dựng cho biết thành phố Hà Nội đã có chủ trương xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng. Tổng số 20 dự án với quy mô 14.525 căn đặt hàng về cơ bản đáp ứng số lượng căn hộ cho giai đoạn 2017- 2020. Theo cơ chế đặt hàng trên, đến năm 2020, số lượng căn hộ tái định cư sẽ thừa 5.322 căn hộ.

Trong khi đó, số liệu thống kê cho thấy Hà Nội hiện có 372 hộ gia đình được bố trí nhà tái định cư từ năm 2015-2017, nhưng chưa hoàn tất thủ tục ký hợp đồng mua bán nhà, chưa nộp tiền mua nhà cũng như nhận nhà.

Việc bỏ trống quỹ nhà tái định cư đang gây ra tình trạng lãng phí nguồn vốn xây dựng và tu bổ định kỳ. Từ thực tế đó, Sở Xây dựng vừa đề xuất thu hồi các căn hộ tái định cư sau 2 năm người dân không chuyển về ở để bán đấu giá thu hồi vốn.

Trong thời gian qua, rất nhiều công trình nhà tái định cư mọc lên ở thủ đô nhưng không có người đến ở hoặc bỏ hoang nhiều năm trời gây bức xúc dư luận.

Điển hình là dự án 3 tòa nhà tái định cư nằm trong khu đô thị mới Sài Đồng xây dựng xong hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa có một người dân nào đến ở.

Theo Dân Việt, một trong những lý do khiến người dân không muốn ở tại tòa nhà tái định cư này là chất lượng công trình tại đây kém, không đủ điều kiện sinh sống. Bên cạnh đó, do tình trạng khiếu kiện kéo dài tại đây cũng khiến người dân né tránh. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng những căn hộ này không phù hợp về thiết kế, hạ tầng, chất lượng xây dựng. Cả 3 tòa nhà tái đinh cư 6 tầng đều không có thang máy.

Thậm chí, tọa lạc tại vị trí trung tâm với khu “đất vàng” và được đánh giá một trong những nhà tái định cư đẹp nhất Hà Nội, song tòa nhà 4A Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) cao trên 20 tầng với 155 căn hộ vẫn bị bỏ hoang gần chục năm nay.

Ngoài ra, theo Kinh tế & Đô thị, 3 tòa nhà của khu tái định cư Thành phố giao lưu (Bắc Từ Liêm) được đưa vào sử dụng từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn thưa thớt người đến ở. Nhiều căn hộ còn trong tình trạng cửa đóng then cài hoặc niêm phong.

Theo phản ánh của những người dân ở dây, do chất lượng chung cư kém, tình trạng thấm dột, thang máy hay hỏng, lại xa trung tâm… nên nhiều gia đình không muốn về ở.

Liên quan đến tình trạng căn hộ tái định cư xây xong bị bỏ hoang gây lãng phí, PGS. Trần Chủng -Trưởng ban Chất lượng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam – cho rằng cần tính tới việc giải quyết nhà tái định cư theo nguyên lý thị trường. Cụ thể, Nhà nước không đầu tư tiền làm nhà tái định cư mà thanh toán cho dân một khung giá nhất định để họ tự mua nhà thương mại thích hợp. Khi giao dịch theo cơ chế mua – bán rõ ràng chất lượng quản lý, dịch vụ cũng tương xứng hơn nhiều.

Theo PGS. Trần Chủng, một trong những nguyên nhân khiến nhà tái định cư bị bỏ trống nhiều là nhà được xây dựng trước, trong khi các dự án mà những nhà tái định cư có nghĩa vụ phục vụ lại chậm tiến độ hoặc không được triển khai. Do đó, cần một “nhạc trưởng” có thẩm quyền để phối hợp giữa các dự án tái định cư và các dự án mở đường hay khu đô thị mới. Nhà tái định cư phải gắn kết hợp lý cùng các dự án để đáp ứng được các yêu cầu như vị trí, nhu cầu, mong muốn của người dân.

Tổng Hợp

Exit mobile version