Đại Kỷ Nguyên

Hàng tồn kho lên tới 4 tỷ USD, H&M tính đem quần áo đi từ thiện?

H

Nhãn hàng thời trang nhanh H&M đang đau đầu tìm cách giải quyết lượng hàng tồn kho khổng lồ trị giá đến 4 tỷ USD. Hai phương án được tính đến là giảm giá hay từ thiện?  

Hãng thời trang nổi tiếng của Thụy Điển cho biết giá trị của lượng hàng hóa chưa được bán ra thị trường tăng mạnh trong quý gần đây lên tới 4 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Số lượng tồn kho tăng mạnh là do sức mua của người tiêu dùng yếu hơn so với dự kiến của H&M, khiến lợi nhuận của hãng giảm 28% trong nửa đầu năm 2018.

“Giải quyết hàng tồn kho đang là một bài toán khó đối với công ty”, nhà phân tích Adam Cochrane của hãng Citi cho biết.

H&M dự kiến sẽ triển khai một loạt các chiến lược, bao gồm tung ra các đợt giảm giá để thanh lý bớt số hàng tồn kho.

Ông Cochrana nhận định H&M có thể sẽ đưa ra các chiến dịch khuyến mại tại những thị trường có người tiêu dùng hứng thú với việc săn hàng giảm giá, thậm chí cả bán hàng online. Ngoài ra, công ty cũng nghĩ đến phương án bán hàng tồn cho các nhà bán lẻ đang hoạt động ở các quốc gia mà H&M không có mặt.

Trong khi nhiều nhà đầu tư của hãng mong muốn có một chiến lược mạnh mẽ hơn để giải phóng khối lượng hàng tồn kho khổng lồ thì Cochrane cho biết “gã khổng lồ” thời trang sẽ chọn giải pháp cân bằng.

“Giảm giá sản phẩm có thể giúp thanh lý lượng hàng tồn kho một các nhanh chóng hơn, nhưng nó sẽ đi kèm rủi ro là có thể ảnh hưởng đến danh tiếng và thương hiệu của hãng”, chuyên gia phân tích trên đánh giá. “Giám đốc điều hành phía công ty không muốn người tiêu dùng coi H&M như một thương hiệu gắn liền với việc giảm giá để hút khách”.

H&M cũng cho biết rằng quần áo tồn kho có thể được đem đi làm từ thiện hoặc tái sản xuất nếu không bán hết.

Các nhà phân tích cho rằng H&M còn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khác. Công ty đã quá chậm trong việc thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến và bây giờ phải gồng lên để bắt kịp xu hướng.

Cổ phiếu của H&M đã giảm 18% trong nửa đầu 2018.

“Nửa đầu năm nay có nhiều khó khăn hơn chúng tôi dự tính, nhưng chúng tôi tin rằng dần dần sẽ có sự cả thiện và H&M sẽ trở lại mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm”, giám đốc điều hành H&M Karl-Johan Persson cho biết.

Không chỉ riêng H&M, các nhà bán lẻ trên toàn thế giới cũng đều đang chịu áp lực từ việc người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm đến từ các đối thủ cạnh tranh trực tuyến như Amazon và Asos.

Kiều Ngọc

Exit mobile version